Cao răng có thể là khởi nguồn của rất nhiều bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,... Vì vậy cần lấy cao răng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Cao răng là gì?
Cao răng là tổ chức cứng có màu trắng đục, màu vàng hoặc màu nâu, bám trên bề mặt răng, đặc biệt là phần cổ răng. Thành phần của cao răng bao gồm các muối vô cơ gồm canxi carbonat và phosphate phối hợp với thức ăn, vi khuẩn hoặc sắt trong huyết thanh.
Có một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn, tức trong 1mg mảng bám (bằng kích thước đầu tăm) chứa tới một tỷ vi khuẩn.
Cao răng có hai loại: Cao răng thường và cao răng huyết thanh. Khi cao răng thường gây viêm lợi, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, lúc này mảng cao răng đó được gọi là cao răng huyết thanh, cao răng huyết thanh thường cứng hơn và khó loại bỏ hơn so với răng thường.
Cao răng hình thành như thế nào?
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Đức Xuyên - Phòng khám nha khoa số 1 - Phố Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trên bề mặt răng luôn có một lớp màng sinh học bao phủ các chất khoáng trong nước bọt dịch lợi kết hợp với cạn thức ăn vi khuẩn sẽ lắng đọng và vôi hóa tạo thành cao răng.
Như vậy, cao răng hình thành từ các chất khoáng hiện diện sẵn trong nước bọt. Việc đánh răng kỹ sẽ hạn chế được cao răng. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình hình thành cao răng.
Tác hại của cao răng
Cao răng chính là nơi tập kết của vi khuẩn trong khoang miệng, chính vì vậy, khi cao răng bám nhiều sẽ dẫn đến các bệnh lý thường gặp như kích thích lợi gây nên viêm lợi, dẫn đến các triệu chứng chảy máu, sưng nề lợi, hôi miệng.
Viêm lợi không được điều trị sẽ tiến triển thành viêm quanh răng gây ê buốt răng, tụt lợi, tiêu xương ố răng nặng hơn là lung lay răng, gây mất răng sớm.
+ Không chỉ gây bệnh trong miệng, cao răng còn làm nặng thêm các bệnh toàn thân như: Bệnh mạch vành, bệnh viêm nội tâm mạc, vi khuẩn nhiều trong cao răng sẽ có nguy cơ theo dòng máu về tim gây nên viêm, đột quỵ.
+ Đối với bệnh tiểu đường cao răng làm nặng hơn tình trạng nhiễm trùng trong miệng dẫn đến khó kiểm soát lượng đường huyết hơn.
Cao răng thường bám ở hai vị trí là cao răng trên lợi và cao răng dưới lợi, đối với cao răng trên lợi, hãy tự quan sát trước gương đặc biệt vùng cỏ răng xem có những mảng cứng màu trắng hay vàng, hoặc nâu không và nếu có đó là cao răng trên lợi. Cao răng dưới lợi thường rất khó phát hiện, do đó chúng ta cần đến nha sĩ thăm khám và loại bỏ kịp thời.
Cách loại bỏ cao răng?
Cao răng là tổ chức cứng bám trên bề mặt rất chắc chắn. Nếu chỉ đánh răng thì không thể loại bỏ được cao răng, chúng ta cần đến nha sĩ để các nha sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để loại bỏ cao răng.
Theo BS Xuyên, hiện nay, phương pháp hiện đại phổ biến nhất là sử dụng công nghệ sóng siêu âm để loại bỏ cao răng, có nghĩa là sử dụng tần số sóng siêu âm để làm rung, bật các mảng cao răng ra khỏi bề mặt răng. Đây là phương pháp rất an toàn hiệu quả và không gây hại cho mô răng và lợi.
Bao lâu nên >lấy cao răng 1 lần?
Có nên lấy cao răng thường xuyên không là băn khoăn của khá nhiều bệnh nhân. Theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Đức Xuyên thời điểm thích hợp nhất đó là định kỳ 3 – 6 tháng.
+ Với trẻ em: Nên lấy cao răng 5 – 6 tháng/ lần.
+ Với người lớn: Nên lấy cao răng 3 – 4 tháng/ lần.
Tùy thuộc vào thể trạng từng người mà tốc độ hình thành vôi răng cũng như thời gian lấy cao răng cũng không giống nhau.
Không nên lấy cao răng liên tục, khoảng cách giữa các lần lấy sát nhau. Tuyệt đối không nên lấy cao răng quá thường xuyên, bởi răng có thể bị mòn men và ê buốt. Sau mỗi lần lấy cao răng, hàm răng cần được nghỉ ngơi và tái khoáng lại men răng.