Không chỉ những người có thể trạng thừa cân, béo phì, người có cân nặng bình thường, thậm chí gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do yếu tố di truyền, thiếu vận động, ăn uống thiếu lành mạnh.
Bệnh >tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là một trong những bệnh lý phổ biến hiện nay. Phần lớn trường hợp mắc> bệnh tiểu đường là bệnh tiểu đường loại hai. Với bệnh tiểu đường loại hai, tuyến tụy đã ngừng sản xuất đủ insulin, các tế bào trở nên kháng insulin hoặc cả hai. Nếu không có đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 430 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 mắc đái tháo đường type 2 và con số này đang gia tăng rất nhanh, dự đoán đến năm 2045 là 700 triệu người, tức hơn 10% dân số.
Hiện nay, đa phần các ca bệnh tiểu đường loại 2 đều có liên quan trực tiếp đến trọng lượng cơ thể. Khi cân nặng của chúng ta tăng lên, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cũng tăng lên. Điều này khiến nhiều người thường cho rằng nếu không thừa cân thì không có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường không phải lúc nào cũng liên quan đến cân nặng. Những người có thể trạng gầy nhưng bị kháng insulin, lượng đường trong máu vẫn có thể tăng lên.
Một số người cho rằng chỉ số BMI (Chỉ số khối cơ thể) dưới 25 có nghĩa bản thân đang khỏe mạnh. Nhưng cân trọng lượng có thể mang lại cảm giác an toàn sai. Những người có trọng lượng cơ thể bình thường nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể tăng lên và khối lượng cơ thấp thường bị kháng insulin. Nhóm người này đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 như nhau.
Một trong những nguyên nhân kích hoạt tiểu đường là do di truyền. Trong trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ này sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Một người có nguy cơ bệnh tiểu đường cao hơn 40% nếu cha, mẹ mắc căn bệnh này. Bệnh tiểu đường cũng có thể xảy ra ở người gầy khi không nhận đủ chất >dinh dưỡng trước khi sinh hoặc khi còn nhỏ.
Bên cạnh yếu tố di truyền, không hoạt động thể chất cũng là nguyên nhân khiến người gầy mắc tiểu đường. Nhiều người dành cả ngày trước máy tính hoặc tivi. Hoạt động thể chất thấp dẫn đến khối lượng cơ thấp (còn gọi là giảm cơ) và kháng insulin ngay cả ở người gầy.
Những người gầy, những người có khối lượng cơ thấp và tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao đều trải qua các tác động trao đổi chất tương tự như những người béo phì. Vì vậy, cho dù có thiếu hay thừa cân hay không vẫn nên tập thể dục, có thể đặt mục tiêu tập thể dục 150 phút mỗi tuần.
Những người gầy nhưng có mỡ nội tạng và cholesterol cao cũng dễ mắc phải tiểu đường. Cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Di truyền quyết định phần lớn cholesterol chứ không phải cân nặng.
Một số người không thừa cân vẫn có yếu tố nguy cơ chuyển hóa không lành mạnh. Điều này bao gồm mức cholesterol cao hoặc huyết áp cao. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc huyết áp cao nên kiểm tra thường xuyên, thăm khám >sức khỏe định kỳ.
Những người có trọng lượng bình thường có chế độ ăn kiêng cũng có thể khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai. Chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả khi đã tính đến trọng lượng cơ thể, tập thể dục và tổng lượng calo.
Đường được tìm thấy trong đồ ngọt, nhưng cũng có nhiều trong các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như đồ ăn nhẹ chế biến và nước sốt salad. Để hạn chế mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau và các loại hạt có thể có ích.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2000 cho thấy, những người hút từ 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với những người không hút thuốc, bất kể cân nặng.
Ngoài tiểu đường loại 2, nhóm người gầy hoàn toàn vẫn có khả năng mắc các loại bệnh tiểu đường khác. Bệnh tiểu đường loại 1, được đặc trưng bởi sự thiếu hụt insulin nghiêm trọng được cho là chủ yếu xảy ra ở trẻ em.
Những bệnh nhân này có biểu hiện sụt cân, đi tiểu nhiều, khát nước và các triệu chứng cổ điển khác của bệnh tiểu đường. Đôi khi, loại bệnh tiểu đường này tiến triển chậm và giống như bệnh tiểu đường loại 2 trong giai đoạn đầu. Dạng bệnh tiểu đường loại 1 tiến triển chậm ở người lớn này được gọi là LADA (bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn).
Các loại bệnh tiểu đường khác cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn gầy. Ví dụ, bệnh tiểu đường sau viêm tụy hoặc phẫu thuật tụy. Những bệnh nhân này thường gầy và cũng có thể cần insulin để điều trị.
Vì vậy, trọng lượng cơ thể lý tưởng và chỉ số khối cơ thể bình thường (BMI) không thể là những chỉ số duy nhất về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người lớn. Bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến người gầy.