Cá ngừ là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị ngộ độc, do đó bạn cần biết một số lưu ý và cách xử lý khi ăn loại thực phẩm này.
Vừa qua, thông tin bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kịp thời cứu chữa cho một nữ công nhân bị sốc phản vệ rất nguy kịch ngay sau khi ăn cá ngừ tự nấu tại nhà đã khiến nhiều người hoang mang, lo sợ.
Được biết, sau khi ăn cá ngừ khoảng 15 phút bệnh nhân có những biểu hiện như nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở... nên đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân khi nhập viện >sức khỏe rất xấu, với những triệu chứng như tụt huyết áp, suy hô hấp nặng do phổi bị tổn thương nặng. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện sức khỏe của cô đã dần ổn định.
Cá ngừ là một loại thực phẩm giàu chất >dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe nhưng chúng có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không biết cách ăn. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn cá ngừ mà mọi người nên biết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá ngừ là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, chất béo, vitamin và các loại khoáng chất. Đặc biệt loại cá này chứa hàm lượng cao omega-3, đây là một chất béo rất tốt đối với cơ thể, giúp giảm mỡ máu, phòng ngừa bệnh tim mạch, hạn chế thoái hóa khớp...
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi tiêu thụ cá ngừ khiến nhiều người e ngại loại thực phẩm này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các trường hợp ăn cá ngừ bị ngộ độc là do mua phải cá bị ươn.
Các chuyên gia giải thích, khi bị ươn enzim trong cá dưới tác động của men decarboxylase sinh ra từ vi khuẩn sẽ hoạt động phân hủy các axit amin histidin – sắc tố đỏ của cá ngừ thành chất histamin. Đây là chất dễ gây ngộ độc cho con người.
Khi ăn phải cá ngừ có nồng độ histamin cao quá mức cho phép, khoảng 1 - 2 giờ sau người ăn sẽ bị ngộ độc. Nếu histamin tác động vào hệ thống da, người bệnh có triệu chứng thường gặp là nổi mẩn đỏ ngoài da, ngứa da... Nếu histamin tác động vào hệ hô hấp sẽ làm bệnh nhân phù nề thanh quản, dẫn đến khó thở...
Nghiêm trọng nhất là khi histamin ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra triệu chứng đau đầu, choáng váng, tim đập nhanh, mệt lả... bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, sự nguy hiểm nhất của histamin là đặc tính chịu nhiệt tốt, vì thế khi cá đã được nấu chín, đóng hộp qua thanh trùng, nhưng chất độc hại này vẫn không mất đi.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng cá ngừ, các chị em nội trợ tốt nhất nên chọn những con cá còn tươi để sử dụng. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng, trẻ nhỏ trước khi ăn cá ngừ nên thử một chút, nếu có biểu hiện bất thường thì không nên ăn. Ngoài ra, để loại trừ độc trước khi chế biến cần ướp cá ngừ với gừng trong 30 phút. Gừng có tác dụng vừa làm tăng mùi thơm vừa giúp triệt tiêu khả năng gây dị ứng.
Nếu xuất hiện những triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, buồn nôn, khó thở, rối loạn tiêu hóa... sau khi ăn cá ngừ, bạn cần nôn hết thực phẩm vừa tiêu thụ. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ dị ứng mạnh gây sốc phản vệ.
Cố gắng uống nhiều nước sẽ giúp tăng cường đào thải chất gây dị ứng ra ngoài qua đường thận nhanh hơn. Nếu trường hợp nhẹ thì có thể khỏi ngay sau đó mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu sau khi sơ cứu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, nên nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Với >những lưu ý khi ăn cá ngừ và cách xử lý khi bị ngộ độc ở trên, hy vọng chị em sẽ cẩn thận hơn trong việc sử dụng loại thực phẩm này để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.