Khi gặp người bị nạn, theo các bác sĩ chỉ cần cuộc gọi tới các đầu số khẩn cấp, nạn nhân sẽ có cơ hội được cứu sống.
Những đầu số cần nhớ
Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) người lái xe đã bỏ đi để mặc nạn nhân. Đoạn video hơn 11 phút được ghi lại từ camera cố định cho thấy có nhiều xe cộ, người đi qua nhưng ai cũng thờ ơ với người bị nạn.
Hình ảnh trên đã khiến nhiều người cảm thấy ám ảnh bởi con người đã vô tâm trước nỗi đau của đồng loại. Về phần mình, bác sĩ Lê Ngọc Dũng – nguyên bác sĩ tại Đồng Tháp đã tâm sự nếu người nằm dưới đất là con cháu nhà mình không ai không thể xót xa. Người dân gặp người bị tai nạn họ sợ nên thường vô cảm bỏ đi bởi vì nhiều lẽ sợ.
Theo bác sĩ Dũng người dân sợ bị dàn cảnh cướp giật bởi thực tế đã có nhiều vụ việc như thế. Thứ hai người ta sợ mất thời gian bị luyên luỵ vì nghĩ mình là người gây tai nạn và phải làm việc với công an, sợ bị ảnh hưởng tới cá nhân mình. Vô vàn nỗi sợ hãi khiến người dân không dám ra tay "Lục Vân Tiên" và để câu chuyện thêm đau lòng khi nạn nhân nữ đã qua đời, nam thanh niên bị chấn thương sọ não nặng.
Bác sĩ Dũng cho biết nếu vì nỗi sợ trên mà bỏ nạn nhân lại chắc chắn nhiều người nếu còn tình người sẽ cảm thấy cắn rứt lương tâm. Thay vì phải ra tay đưa nạn nhân đi cấp cứu chỉ cần một cuộc gọi cũng tốt.
Hãy nhớ 4 đầu số 112 - đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc, 113 - đầu số gọi công an hoặc cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự, 114 -đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, 115- đầu số gọi cấp cứu về y tế.
Ở nước ngoài người ta không yêu cầu công dân can thiệp vào những tình huống trên đường mà nên gọi ngay đến các số khẩn cấp để cho người chuyên môn đến can thiệp. Đôi khi sự can thiệp sai có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân hay cho chính người giúp đỡ.
Ví dụ như thấy người bị điện giật lao vào cứu sẽ bị điện giật theo, lao xuống nước cứu người đuối nước có thể bị chết theo nạn nhân. Bất cứ một hành động cứu người nào cũng cần khoa học và khi mình chưa chắc chắn hãy gọi các đầu số trên để được hỗ trợ.
7 bước sơ cứu cần nhớ
Còn PGS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y cho biết nhiều người cho rằng họ sợ cấp cứu không đúng ảnh hưởng thêm cho người bệnh. Trong trường hợp gặp người bị nạn, tuỳ từng trường hợp có thể can thiệp. Bác sĩ Hải cũng đưa ra 7 cách sơ cứu người bị nạn để có thể giúp đỡ nạn nhân phần nào.
Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, nên gọi 115 để có sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim.
Ép tim liên tục không nghỉ, ép nhanh tần số 120 lần/phút. Ép cho đến khi tuần hoàn có trở lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến. Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tuần hoàn có lại.
Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.
Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.
Bước 4. Cố định cột sống cổ, yêu cầu cột sống cổ phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.
Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.
Bước 6: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.
Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô… nhưng tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.