Trong thời tiết nắng nóng, để ngăn chặn thực phẩm bị hư hỏng, tủ lạnh trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, nó lại là nơi bẩn thứ 2 trong ngôi nhà, có nguy cơ gây bệnh nếu bạn phạm phải 5 điều này.
Theo "Báo cáo >sức khỏe gia đình" của Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu (Global Hygiene Council - GHC), tủ lạnh là nơi bẩn thứ 2 trong ngôi nhà, có trung bình 11.4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm vuông trong tủ lạnh, bẩn hơn cả nhà vệ sinh. Do đó, dù mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống nhưng nếu sử dụng không đúng cách, nó sẽ mang lại rất nhiều tác hại cho sức khỏe con người.
Dưới đây là 5 cách sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm "cực sai", nếu không thay đổi ngay, hãy cẩn thận với bệnh tật.
1. Ăn thức ăn đã được lưu trữ quá lâu trong tủ lạnh
Chúng ta đều biết rằng hầu hết các vi khuẩn khó sinh sôi ở nhiệt độ thấp (lạnh), nhưng cũng có một số loại vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt này, thậm chí người ta còn gọi nó với cái tên "sát thủ tủ lạnh" - vi khuẩn Listeria. Nó có ở khắp mọi nơi. Thịt, trứng, thịt gia cầm, hải sản, các sản phẩm từ sữa, rau... đều có thể trở thành nguồn lây nhiễm Listeria.
Người lớn khỏe mạnh sẽ gặp các triệu chứng cúm sau khi nhiễm vi khuẩn này, trong khi đó, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể gặp các triệu chứng gây tử vong như khó thở, nôn mửa, sốt và thậm chí viêm màng não và nhiễm trùng huyết sau khi nhiễm khuẩn.
Do đó, điều cực kỳ quan trọng là thực phẩm trong tủ lạnh nên được ăn kịp thời (sử dụng càng sớm càng tốt), tránh để lâu trong tủ lạnh, tạo điều kiện cho Listeria phát triển.
2. Bảo quản thực phẩm bừa bộn
Trong quá trình sử dụng tủ lạnh, nhiều người sắp xếp thực phẩm bên trong rất bừa bộn, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn sinh sôi, nhất là khi thực phẩm tươi có thể mang vi khuẩn từ bên ngoài vào trong tủ lạnh. Nếu bạn đặt thực phẩm tươi và thực phẩm đã nấu chín cùng nhau hoặc đặt thực phẩm tươi nằm đè lên trên thực phẩm nấu chín, vi khuẩn sẽ lây nhiễm vào thực phẩm đã nấu chín thông qua sự khuếch tán và lắng đọng.
Bằng cách này, toàn bộ tủ lạnh của bạn sẽ trở thành một ổ vi khuẩn và nguy cơ mắc bệnh thông qua con đường ăn uống sẽ tăng lên rất nhiều.
Trên thực tế, việc xếp thực phẩm trên các ngăn của tủ lạnh không nên được thực hiện ngẫu nhiên. Nhiệt độ của mỗi ngăn có sự khác nhau, do đó, bạn nên sắp xếp một cách khoa học. Ví dụ, kệ cửa của tủ lạnh thích hợp để lưu trữ các thực phẩm có tính kháng khuẩn như gừng, tỏi, thìa là... Đối với thực phẩm đã nấu chín, trứng, rau và các thực phẩm có thời gian bảo quản hoặc thời gian ăn ngắn nên được để ở ngăn dưới.
3. Ăn thức ăn lạnh ngay sau khi lấy ra
Nhiều người đã bị đau đầu sau khi ăn kem và các thực phẩm lạnh khác vào mùa hè. Điều này là bởi nhiệt độ của thức ăn lấy ra khỏi tủ đông thường thấp hơn -6 độ C, rất khác với nhiệt độ bình thường của khoang miệng con người là 36.5 độ C. Việc ăn ngay khi vừa lấy chúng ra khỏi tủ sẽ kích thích niêm mạc miệng, gây ra co thắt đầu và gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn .
Để tránh gặp phải tình trạng này, thực phẩm sống và lạnh lấy ra khỏi tủ lạnh nên được giữ ở nhiệt độ phòng trong một khoảng thời gian ngắn trước khi ăn.
4. Cất trữ quá nhiều thực phẩm sống và lạnh
Trong mùa hè thiêu đốt, chúng ta có xu hướng cất trữ nhiều thức ăn lạnh và sống hơn. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm lạnh trong tủ có thể khiến dạ dày và ruột bị kích thích bởi nhiệt độ thấp tương đối mạnh. Các mao mạch trong dạ dày và ruột sẽ co lại ngay lập tức, lưu lượng máu giảm, tốc độ lưu thông máu chậm lại và dẫn đến việc tiết dịch tiêu hóa bị giảm.
Từ đó, chức năng sinh lý của đường tiêu hóa bị rối loạn, gây ra các triệu chứng như chuột rút bụng và nôn mửa. Ngay cả khi thực phẩm sống và lạnh mang lại cho chúng ta cảm giác khoan khoái, mát lạnh, bạn vẫn phải kiểm soát lượng tiêu thụ để tránh gây khó chịu đường tiêu hóa.
5. Tủ lạnh không được làm sạch kịp thời
Mặc dù nhiệt độ trong tủ lạnh thấp, nhưng nó lại là một môi trường kín. Đôi khi bạn mở tủ lạnh ra sẽ cảm nhận được một số những mùi lạ đến từ các chất chuyển hóa của vi khuẩn trimethylamine, methyl mercaptan, hydro sulfide... đang "nghỉ mát" trong chiếc tủ.
Những khí độc hại này trộn lẫn với nhau sẽ làm tăng tốc độ hư hỏng của thực phẩm. Những người bị dị ứng và trẻ nhỏ cũng có thể gặp các triệu chứng như ho, đau ngực và tức ngực sau khi hít phải không khí này. Nếu tủ lạnh ở nhà có vết bẩn và nước đọng, hoặc thậm chí có mảng bám bẩn, bạn có thể lau tủ lạnh bằng một miếng vải sạch ngâm giấm để loại bỏ mùi hôi và khử trùng.
Nói tóm lại, thường xuyên vệ sinh, sắp xếp có trật tự, ăn uống lành mạnh và nấu chín kỹ là những điều bạn cần "khắc cốt ghi tâm" khi sử dụng tủ lạnh.