4 người trong 1 gia đình được phát hiện mắc "cùng một loại ung thư" đã thu hút sự chú ý trong thời gian vừa qua.
Theo báo Phụ nữ Thủ đô dẫn nguồn từ Ningbo Evening News, thông tin một gia đình 4 người ở Chiết Giang (Trung Quốc) được phát hiện mắc "cùng một loại ung thư" đã thu hút sự chú ý trên Weibo trong thời gian vừa qua.
Đó là trường hợp của gia đình cô Trương. Cô Trương gần 40 tuổi đã trải qua cuộc phẫu thuật >ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Phụ nữ và Nhi đồng Ninh Ba (Trung Quốc). Cô Trương là giáo viên thanh nhạc. Thời gian gần đây, cô cảm thấy đau họng và giọng nói không còn to như trước, có khi hơi khàn. Lúc này, cô Trương có dự cảm không tốt nên đã đi khám. Kết quả cô bị ung thư tuyến giáp. Theo bác sĩ phẫu thuật Đường Minh, cô Trương là bệnh nhân ung thư tuyến giáp thứ tư trong gia đình họ.
Sáu năm trước, chị gái thứ hai của cô Trương, lúc đó 39 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Chị gái cô đã trải qua phẫu thuật và cắt một bên tuyến giáp. Sau phẫu thuật, BS Trường Minh là người đã theo dõi tình trạng >sức khỏe của chị cô.
Vào tháng 6/2022, Tiểu Vương - cháu của chị Trương, lúc đó 16 tuổi, được phát hiện có nhiều nốt tuyến giáp trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ ở trường. Cuối cùng, cậu bé cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Đáng lo ngại hơn, các tế bào ung thư đã di căn và cậu bé phải phẫu thuật cả 2 bên, bóc tách hạch bạch huyết. Điều đó có nghĩa là cậu sẽ phải dùng thuốc hỗ trợ trong suốt quãng đời còn lại.
Vào đầu năm nay, mẹ của Tiểu Vương, chị cả của cô Trương, cũng phát hiện ung thư tuyến giáp và sau đó trải qua phẫu thuật cắt bỏ.
Qua trường hợp của gia đình cô Trương, bác sĩ Đường Minh nói thêm rằng, ung thư tuyến giáp không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Thông qua sờ nắn, siêu âm cổ, bác sĩ có thể phát hiện các khối u và nốt tuyến giáp nhỏ. Điều đáng chú ý là các nốt tuyến giáp không giống như ung thư tuyến giáp. 80% các nốt tuyến giáp là tổn thương lành tính, không cần phẫu thuật, chỉ cần theo dõi thường xuyên hoặc điều trị bằng thuốc.
Từ đó, các bác sĩ cảnh báo cần chú ý đến tiền sử gia đình có bệnh ung thư tuyến giáp. Hiện tại, người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,5-2 lần so với những người khác. Ngoài ra, khi được chẩn đoán các nốt lành tính không có nghĩa là bạn có thể yên tâm. Hãy kiểm tra thường xuyên 6 tháng đến khoảng một năm một lần. Nếu nhận thấy các nốt sần phát triển nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn, cộng với dấu hiệu khàn giọng dai dẳng, khó nuốt hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ, bạn nên hết sức cảnh giác và đi khám càng sớm càng tốt.
Với hoàn cảnh của gia đình cô Trương, bác sĩ khuyến cáo các thành viên trong nhà nên làm xét nghiệm di truyền để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Việc này sẽ giúp cung cấp bằng chứng di truyền để phòng ngừa trong tương lai, thậm chí là cho thế hệ tiếp theo.
ThS.BS Bùi Thị Nga, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nguyên nhân gốc rễ của ung thư là từ đột biến gene, chiếm khoảng 5-10%. Các đột biến này có thể kích hoạt tế bào tiền ung thư thành ung thư hoặc làm mất chức năng của tế bào ức chế u. Vì thế, tế bào bất thường không được sửa chữa hoặc loại bỏ, dẫn đến ung thư.
Đột biến di truyền do bố hoặc mẹ mang gen bệnh và truyền lại cho con cái. Khi một người thừa hưởng loại đột biến gene này có nguy cơ mắc một (hoặc nhiều loại) ung thư với tỷ lệ 50% và nhiều bệnh di truyền khác. Phần lớn ung thư có nguyên nhân từ đột biến mắc phải – những đột biến phát sinh trong >đời sống hàng ngày. Bác sĩ Nga cho biết, dù không phải tất cả các loại ung thư đều di truyền, nhưng 9 loại ung thư dưới đây có khuynh hướng di truyền rõ ràng.
Bác sĩ Nga dẫn các điều tra dịch tễ học cho thấy, nếu trong gia đình có một người ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác tăng gấp 3 lần; nếu hai người mắc ung thư vú thì tỷ lệ tăng gấp 7 lần. Trong gia đình có nhiều người ung thư vú, nhất là ở độ tuổi trẻ (dưới 50 tuổi) rất có thể họ mang các đột biến gene ung thư vú di truyền, phổ biến nhất là đột biến BRCA1, BRCA2.
Khoảng 20-25% ung thư buồng trứng biểu mô có liên quan đến yếu tố di truyền. Tiền sử gia đình ung thư buồng trứng có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao ở các thành viên nữ khác trong gia đình.
Hai hội chứng đại trực tràng di truyền thường gặp là bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không polyp do các đột biến gene di truyền gây nên. Các đột biến này không chỉ làm tăng nguy cơ hình thành khối u đường tiêu hóa mà có thể là nguyên nhân sinh u tại nhiều cơ quan khác như tuyến tụy, tuyến giáp, nội mạc tử cung, gan… Phát hiện sớm thành viên mang gene bệnh giúp có kế hoạch tầm soát định kỳ hoặc điều trị dự phòng.
Khoảng 5% các trường hợp ung thư nội mạc tử cung xuất phát từ yếu tố di truyền và tuổi khởi phát ở những bệnh nhân này thường trẻ hơn 10-20 tuổi so với tuổi trung bình của những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung lẻ tẻ.
Theo Verywell Health, những người có tiền sử gia đình ung thư tuyến tụy thì khả năng mắc bệnh này cũng cao hơn. Đột biến di truyền của gene BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tính chất gia đình.
Ung thư tuyến tiền liệt ở hai hoặc nhiều thành viên trong gia đình trực tiếp làm tăng nguy cơ lên 5-11 lần. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, một đột biến gene có thể gây nhiều bệnh ung thư khác nhau ở cả hai giới. BRCA1 và BRCA2 là những gene phổ biến gây ung thư vú và ung thư buồng trứng ở nữ giới; tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, tuyến tiền liệt ở nam giới.
Theo các nghiên cứu bệnh chứng từ Hiệp hội Ung thư Phổi Quốc tế, những người có người thân cấp một (bố, mẹ, anh, chị, em, con cái) bị bệnh ung thư phổi sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh này lên 1,51 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi.
Là bệnh ung thư của tuyến nội tiết thường gặp nhất. Phần lớn thể bệnh hay gặp là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Đây là thể bệnh có tiên lượng tốt nếu được điều trị đúng phác đồ. Ung thư tuyến giáp thể tủy có tiên lượng xấu hơn và có tính di truyền mạnh. Đột biến gene RET gây bệnh này còn là nguyên nhân của các khối u nội tiết khác như u tủy thượng thận, adenoma tuyến cận giáp, u thần kinh ở niêm mạc của môi, lưỡi, đường tiêu hóa…. Theo bác sĩ Nga, tất cả người bệnh chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy đều nên được chỉ định xét nghiệm gene cho bản thân và người thân trong gia đình.
Người thân của bệnh nhân ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2-3 lần so với những người khác. Theo các chuyên gia, khả năng di truyền của ung thư dạ dày tương đối cao, chiếm khoảng 5-10%. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là ung thư dạ dày lan tỏa di truyền, thuộc bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường.
Bác sĩ Nga chia sẻ thêm, một số dấu hiệu cảnh báo ung thư di truyền bao gồm hai hoặc nhiều người thân mắc cùng một loại ung thư, ung thư xảy ra ở nhiều thế hệ (ông, cha, con trai), độ tuổi chẩn đoán ung thư sớm, một người mắc cùng lúc nhiều loại ung thư hoặc ung thư xảy ra ở các cơ quan theo cặp (như hai mắt, hai thận hoặc hai vú),…
Để ngăn ngừa ung thư di truyền, bác sĩ Nga khuyến cáo người có tiền sử gia đình với khuynh hướng ung thư phức tạp nên chủ động tầm soát sớm, định kỳ. Với nhóm nguy cơ cao, việc sàng lọc di truyền giúp họ kịp thời phát hiện bản thân có mang gene gây bệnh hay không và có biện pháp điều trị phù hợp. Mỗi người nên xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống điều độ, tích cực tham gia thể dục thể thao, giữ thái độ lạc quan để sống vui, khỏe.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.