Sừng tê giác không phải là thần dược, nó chỉ có tác dụng thanh nhiệt và có thể thay đổi bằng các bài thuốc khác vừa rẻ tiền hơn nhiều.
Mới đây Bé N.K.A.D, 22 tháng tuổi ngụ ở Củ Chi được gia đình đưa vào cấp cứu sau đó được chuyển vào Khoa hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân.
BS Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Sau khi thăm khám, X-quang và siêu âm tim, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tím do tim, phổi, lập tức nghi ngờ bé bị ngộ độc. Bé nhanh chóng được làm xét nghiệm máu, kết quả thật bất ngờ khi nồng độ Methemoglobin rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0-3%).
Khai thác nhanh từ gia đình thì được biết sáng cùng ngày, gia đình có cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác, do một người bạn cho để chữa sốt co giật cho bé. Sau đó, vì thấy bé bị sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội vàng đưa con đi cấp cứu.
Sừng tê giác hiện nay bị đồn thổi như thần dược. Đặc biệt là cho những bệnh nhân ung thư. Nhiều người tin rằng uống sừng tê giác sẽ phòng được bệnh cũng như điều trị.
TS Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết ông gặp nhiều người bệnh nặng lên vì tin sừng tê giác như thần dược. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân là đại gia 10 năm nay khỏe mạnh và không đi khám >sức khỏe vì nghĩ rằng mình đã có sừng tê giác để bồi bổ sức khỏe. Kết quả, khi đi khám thì phát hiện ra ung thư gan, bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Có trường hợp bác sĩ nọ bị ung thư và cũng tin rằng sừng tê giác có thể là cứu cánh cho họ. Dù biết đó chỉ là phương thuốc tinh thần nhưng họ vẫn dùng và kết quả vẫn không thể khỏi bệnh.
Có bệnh nhân bị ung thư tin sừng tê giác chữa được bệnh, chi cả tỷ đồng mua sừng tê giác uống và kết quả bệnh vẫn nặng phải vào viện điều trị giảm đau. Tại Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có tỷ lệ sử dụng sừng tê giác điều trị bệnh cao nhất.
Trong khi đó sừng tê giác chỉ có chất sừng (keratin), các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng sừng tê giác chẳng có gì đặc biệt, vẫn thành phần chủ yếu là chất sừng giống như sừng trâu, sừng bò, móng ngựa và móng tay- móng chân của người.
Các nghiên cứu đều cho thấy sừng tê giác chẳng có tác dụng điều trị gì hết, chỉ có một nghiên cứu cho thấy sừng tê giác có thể giúp hạ sốt ở trẻ em, nhưng tác dụng thua xa aspirin.
Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, các tài liệu của Y học phương Đông, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng, khi dùng có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày).
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần, dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban...
Tuy nhiên, trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm hơn sừng tê giác.