Để trốn tránh những cảm xúc chán nản, buồn bã, nhiều người chọn bận rộn không ngừng nghỉ cả ngày nhưng đó lại là dấu hiệu cho thấy bạn đang nghiện căng thẳng.
Căng thẳng, ngay cả với vô số tiêu cực mà nó mang lại, có thể gây nghiện. Đó là kết luận của Tiến sĩ Heidi Hanna, một nhà thần kinh học tích hợp từng giảng dạy tại ĐH Harvard (Mỹ), làm việc với nhiều khách hàng lớn như Google, Starbucks, Microsoft. Kết luận này khiến không ít người ngạc nhiên bởi >căng thẳng là thứ ai cũng muốn tránh do những hậu quả nó gây ra cho sức khoẻ tinh thần và thể chất.
Theo Tiến sĩ Hanna, đó là bởi ngoài cortisol, căng thẳng (>stress) còn giải phóng dopamine, một chất được nhiều người gọi là “hormone hạnh phúc”, khuyến khích các hành vi lặp lại bằng cách kích hoạt "cơ chế giải thưởng" trong não. Vậy nên căng thẳng có thể gây hưng phấn tự nhiên bằng cách kích hoạt các trung tâm kích thích và chú ý trong hệ thống thần kinh của chúng ta, nếu kéo dài, có thể “gây nghiện như ma túy”.
Tiến sĩ tâm lý học Harvard Debbie Sorensen chuyên nghiên cứu về tình trạng kiệt sức cho biết bộ não căng thẳng kinh niên của bạn có thể phụ thuộc vào sự hưng phấn do dopamine từ stress. “Chúng ta làm bản thân bận rộn để tránh những cảm xúc khó chịu như sự chán nản, cô đơn và buồn bã. Việc này phổ biến hơn bạn nghĩ”, Debbie Sorensen nói.
Một nghiên cứu của Havard Medical School cho thấy khi bận rộn cả ngày về lâu dài, căng thẳng mãn tính sẽ gây ra huyết áp cao, hội chứng ruột kích thích, mụn trứng cá và các vấn đề sức khoẻ khác.
3 dấu hiệu phổ biến của chứng nghiện căng thẳng
Nếu bạn luôn trong tình trạng vội vã hoàn thành deadline và cảm thấy tội lỗi mỗi khi nghỉ làm, có thể bạn đã bị nghiện căng thẳng. Theo Tiến sĩ Sorensen, chứng nghiện căng thẳng thường do việc tự gây ra áp lực phải thành công, khiến những người có nhiều tham vọng dễ bị kiệt sức và căng thẳng mãn tính.
Áp lực xã hội cũng góp phần trong việc khiến bạn nghiện stress. “Chúng ta thường đánh đồng sự bận rộn với thành công. Bản thân tôi cũng cảm thấy thoải mái khi liên tục bận rộn. Chúng ta đang quá bị ám ảnh bởi năng suất nên việc bị căng thẳng giống như một huy hiệu danh dự vậy”, Sorensen cho biết.
Theo nhà tâm lý này, có 3 dấu hiệu phổ biến của chứng nghiện căng thẳng ở giai đoạn đầu bạn cần chú ý, đó là khi bạn tránh việc nghỉ ngơi và thư giãn, liên tục kiểm tra điện thoại của mình và nói có với mọi thứ.
Tiến sĩ Debbie Sorensen cũng chỉ ra rằng khi bạn nghiện stress có thể là do bạn đang ở trong một nơi làm việc độc hại khiến bạn phải làm không ngừng nghỉ. Nếu sếp liên tục giao cho bạn “khối lượng công việc cao một cách vô lý” hoặc “mong bạn làm online ngoài giờ hành chính”, bạn cần thiết lập ranh giới và tránh xa những yêu cầu này nếu nó diễn ra trong một thời gian dài để tránh căng thẳng.
Tiến sĩ Harvard cho biết triệu chứng rõ ràng nhất của chứng nghiện căng thẳng là việc liên tục đặt mình trong những trạng thái “đau đầu” này ngay cả khi bạn có quyền lựa chọn để cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi nhưng bạn lại lảng tránh nó.
Làm sao để tránh nghiện căng thẳng?
Không có phương pháp hoàn hảo nào để kiềm chế chứng nghiện căng thẳng, nhưng tập thể dục và thiền định là cách đơn giản bạn có thể bắt đầu. Theo trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic (Mỹ), cả 2 phương pháp này đều thúc đẩy những hormone hạnh phúc trong não, bao gồm dopamine và endorphin, là những “liều thuốc giải độc mạnh” cho việc bạn trốn tránh thực tại bằng cách bận rộn.
“Quan trọng nhất là bạn cần tìm ra điều gì khiến bạn căng thẳng. Hãy chú ý đến các vấn đề về giấc ngủ, sự thèm ăn, sự tập trung và tâm trạng của bản thân. Bạn làm gì khi căng thẳng? Điều gì có thể giúp bạn và điều gì khiến bạn cảm thấy tối tệ hơn?”, Tiến sĩ Sorensen nói, “Nghiện căng thẳng có thể là do bạn thiếu ngủ hoặc có quá nhiều trách nhiệm và việc cần làm. Cách duy nhất để khắc phục là thay đổi lối sống”.