Hiện nay có rất nhiều người có thói quen dùng tay ngoáy mũi, tuy nhiên nếu ngoáy mũi không cẩn thận sẽ gây bệnh nguy hiểm và trường hợp của người phụ nữ 48 tuổi là một điển hình.
Cô Điền năm nay 48 tuổi ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), là một công nhân nhà máy dệt. Đã rất nhiều năm cô Điền có thói quen xấu là dùng tay ngoáy để lấy gỉ mũi. Cách đây 2 tháng, cô Điền trong một lần xì mũi, phát hiện có máu trong dịch mũi, lúc đầu cô Điền nghĩ đây là triệu chứng của việc nóng trong, do đó cô đã mua thuốc giải nhiệt về uống.
Điều đáng lưu ý là tình trạng máu trong dịch mũi vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Vì lo lắng, nên cô Điền đã nhờ cô con gái 19 tuổi (đang là sinh viên đại học) lên mạng tìm hiểu thông tin về triệu chứng này. Hầu hết các kết quả tìm kiếm đều cho thấy đây là dấu hiệu của bệnh ung thư. Quá sợ hãi, cô Điền đã đến bệnh viện địa phương để khám.
Sau khi bác sĩ ở bệnh viện địa phương làm các kiểm tra như siêu âm, chụp chiếu cho thấy, cô Điền có khả năng lớn mắc bệnh ung thư, tuy nhiên không dám chắc chắn nên bác sĩ đã khuyên cô đến bệnh viện lớn để kiểm tra kỹ hơn.
Cuối cùng cô Điền được người thân đưa đến Bệnh viện lao Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) để khám. Bác sĩ Hồ Vĩnh Hòa, người trực tiếp thăm khám cho cô Điền, đã cho cô đi chụp MRI và làm sinh thiết, kết quả cho thấy cô Điền không mắc bệnh ung thư, nhưng lại mắc căn bệnh hiếm gặp có tên lao mũi.
Bác sĩ Hồ Vĩnh Hòa cho biết: Sau khi hỏi thì được biết cô Điền có thói quen ngoáy mũi, chính hành động nhỏ hàng ngày này lại là nguyên nhân gây nên căn bệnh nguy hiểm, bởi khi ngoáy mũi, móng tay bẩn sẽ đưa vi khuẩn lao vào mũi và gây nên bệnh.
Bệnh lao mũi là gì?
Lao mũi gồm có hai thể: luput và lao loét mũi. Bệnh luput thường hay gặp hơn so với lao loét mũi.
Luput mũi
Luput mũi là một bệnh lao da, diễn biến âm ỉ. Nguyên nhân là do vi trùng lao xâm nhập vào niêm mạc mũi và gây ra bệnh tại chỗ. Thương tổn có thể lan ra cánh mũi hoặc da mặt nhưng không xâm nhập vào các tạng khác trong cơ thể. Ðặc điểm của bệnh là cùng một chỗ chúng ta có thể gặp nhiều hình thái khác nhau của thương tổn: thâm nhiễm, loét, xơ hóa, tổ chức phục hồi. ít khi tìm được vi trùng lao trong bệnh luput.
Chảy nước mũi lẫn máu là biểu hiện của bệnh lao mũi
Biểu hiện của bệnh ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Bệnh nhân ngạt mũi và có vảy khô ở một bên mũi kéo dài hàng tháng, điều trị với một số thuốc kháng sinh, chống viêm thông thường không có kết quả. Soi mũi thấy ngay đầu cuốn mũi dưới hoặc ở vách ngăn đối diện có những hạt sần sùi, có vảy vàng và dễ chảy máu khi chạm vào. Bệnh nhân thường không có cảm giác đau. Bệnh nếu không được điều trị và chẩn đoán đúng sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát với những biểu hiện như ngạt mũi, chảy nước mũi lẫn máu hoặc chảy máu cam. Da bên ngoài mũi thường đỏ và dày.
Có thể có hạch ở vùng dưới cằm hay vùng mang tai. Bệnh diễn biến chậm và có những đợt bột phát, rồi từ từ xâm lấn sang bên đối diện, da mặt vùng rãnh mũi má, vùng môi trên... Bệnh luput không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây sẹo dúm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sẹo của luput có thể tiến triển thành ung thư biểu mô.
Lao loét mũi
Ðối với lao loét mũi, loại lao này tương đối ít thấy và chỉ gặp trên những bệnh nhân bị lao phổi thể loét bã đậu nặng. Trong hốc mũi bệnh nhân có những vết loét sần, bờ nham nhở, mũi luôn luôn bị tắc vì mủ và chất tiết nhầy. Tiên lượng rất xấu vì bệnh nhân sẽ chết bởi những tổn thương ở phổi. Chẩn đoán xác định phải dựa chủ yếu vào kết quả sinh thiết nơi tổn thương tìm thấy bệnh tích lao.
Cách phòng tránh bệnh lao mũi
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh lao, đeo khẩu trang y tế nơi công cộng, rửa sạch tay trước khi ăn.
- Không dùng tay để ngoáy lỗ mũi, tránh mang vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể.
- Không nên sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người lạ ở nơi công cộng tránh lây nhiễm vi khuẩn.
- Thường xuyên tập thể dục tăng cường >sức khỏe.