Có thật là nam giới ăn nhiều đậu nành sẽ gây yếu sinh lí hay thậm chí là vô sinh như nhiều lời đồn trong dân gian hay không?

05:15 02/02/2018

Đậu nành là thực phẩm rất lành mạnh, có lợi cho >sức khỏe nhưng thực tế không chỉ người trẻ mà nhiều quý ông trung niên cũng hạn chế ăn vì sợ suy giảm khả năng chăn gối. Rất nhiều người còn củng cố thêm niềm tin rằng, >đậu nành làm giảm khả năng sinh sản khi lý luận: các nhà sư tích cực ăn đậu nành là để diệt dục. Thông tin truyền miệng đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lí nam giới xuất phát từ yếu tố đậu nành là thực phẩm giàu Isoflavones hay còn biết dưới tên gọi phytoestrogen có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam, nhưng thực chất Isoflavones không phải là estrogen.

PGS -TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng) cũng khẳng định trong đậu nành có chất giúp kích thích nội tiết tố nữ estrogen nhưng đây là dạng hormone thực vật, yếu hơn 500 lần so với tiết tố của động vật. Vì vậy, nam giới sử dụng đậu nành và các chế phẩm từ đậu vẫn không bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan) từng công bố cho thấy rằng nỗi lo sợ về thành phần estrogen thực vật trong đậu nành là không có cơ sở, vì estrogen thực vật không gây hại cho người sử dụng. Nếu thực sự đậu nành làm suy giảm chức năng sinh sản, biến đàn ông thành đàn bà thì các tổ chức y tế lớn trên thế giới không thể làm ngơ. Thực tế, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không hề có khuyến cáo nào về việc nam giới sử dụng sữa đậu nành sẽ ảnh hường đến chức năng sinh lí của họ. Trên thực tế, vẫn đang có nhiều đàn ông Âu Mỹ hưởng ứng chế độ ăn giàu đậu nành để bảo vệ sức khỏe.

Tiến sĩ Mark Messina đến từ Đại học Loma Linda (California, Mỹ) đã công bố một số kết quả phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định đậu nành và thực phẩm cung cấp Isoflavones đều không làm thay đổi nồng độ Testosterone khả dụng ở nam giới. Tiến sĩ Mark Messina nhấn mạnh: "Điều này có nghĩa dùng Isoflavones đậu nành không gây nữ hóa ở nam giới bởi không có bằng chứng nào cho thấy tiêu thụ Isoflavones tác động đến nồng độ estrogen tuần hoàn ở nam giới. Những nghiên cứu can thiệp ở nhóm nam giới trong độ tuổi từ 18 - 35 cũng cho thấy Isoflavones không tác động lên cơ quan sinh sản của nam giới ở cả 5 khía cạnh gồm lượng “xuất binh”, mật độ, số lượng, khả năng di động và hình thái của “tinh binh".

Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM) còn chia sẻ thêm: “Đậu nành là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có cả 3 loại chất dinh dưỡng sinh năng lượng là protein, lipid, glucid. Hàm lượng protein trong đậu nành cao và có đến 18 loại acid amin, trong đó có đủ tất cả các loại acid amin thiết yếu. Lipid trong đậu nành chủ yếu là acid béo không no nhiều nối đôi, không có cholesterol. Đậu nành có nhiều vitamin nhóm B, E, K cùng chất khoáng như K, Ca, P, Sắt, Mg, Mn, Zn, Cu, Se. Một số loại chất khoáng có rất cần thiết cho sức khỏe thần kinh, xương và tim mạch như Mn, Ca, sắt đạt hàm lượng cao trong đậu nành”.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy rằng, ngoài có lợi cho tim, đậu nành còn có khả năng ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt bởi trong đậu nành rất giàu chất chống ôxy hóa. Hơn nữa, protein trong đậu nành có khả năng ngăn chặn các enzyme kích thích sự tăng trưởng của tế bào tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu nam giới thường xuyên sử dụng đậu nành có thể ngừa tới 40% nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến - căn bệnh thường gặp ở quý ông.

Theo Uyên Phương/Bestie/Thể thao và Văn hóa