Chiều 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ về tình hình điều trị các bệnh nhân nặng mắc COVID-19.
PV: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, so với tình trạng của bệnh nhân phi công người Anh (BN91 - PV) mà chúng ta đã điều trị khỏi thì các ca bệnh nặng mắc COVID-19 đã tử vong và hiện đang được điều trị tại Đà Nẵng có điểm gì khác biệt?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Việc cứu chữa bệnh nhân 91 là một kỳ tích trong công tác điều trị của ngành y tế nước ta. Tuy nhiên, giữa bệnh nhân 91 và các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 tại Đà Nẵng có nhiều điểm khác biệt.
Điểm khác biệt thứ nhất là những bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh nền nặng và thời gian bệnh dài và chính vì những bệnh nền đó đã gây ra những biến chứng, ví dụ suy tim, suy thận, suy kiệt cơ thể.
Như vậy khả năng đáp ứng của các bệnh nhân tại TP Đà Nẵng so với bệnh nhân 91 là rất kém. Cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm và với việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Có những bệnh nhân mặc dù chúng ta đã nỗ lực cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.
PV: Theo ông, trong số các bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải thì đâu là bệnh lý nền cơ hội nhất để dẫn đến việc bệnh nhân tử vong?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Các bệnh nhân được chúng tôi đánh giá là nguy hiểm nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng đặc biệt là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng.
Bên cạnh những bệnh lý nền và chạy thận nhân tạo thì những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể thì khả năng đáp ứng của bản thân đã bị đè nén và không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của virus.
Đây là cơ hội lớn để virus làm gia tăng những biến chứng của các bệnh lý nền của người bệnh. Mặc dù được sự hỗ trợ của các bác sĩ hồi sức, nhưng một số bệnh nhân đã tử vong vì những biến chứng đó.
PV: Xin ông cho biết phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có phải là phác đồ cố định không hay là có sự cập nhật sau mỗi giai đoạn?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Phác đồ điều trị COVID-19 từ giai đoạn 1 đến nay đã được chỉnh sửa 6 lần, bổ sung rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học, bổ sung rất nhiều thực tiễn. Tuy nhiên phác đồ chỉ là khung điều trị.
Đối với mỗi bệnh nhân COVID-19 thì bên cạnh hội chẩn của các chuyên gia hồi sức tại chỗ thì còn có hội chẩn quốc gia trực tuyến giữa các đơn vị điều trị COVID-19 và tổ chuyên môn tiểu ban điều trị để có thể tận dụng kinh nghiệm của tất cả các chuyên gia đầu ngành, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đã tham gia các cuộc hội chẩn đó.
Mỗi trường hợp đều được coi là những cá thể để có những quyết định điều trị phù hợp với những cá thể đó.
PV: Trong đợt dịch bùng phát lần này đã có hàng chục bệnh nhân khỏi bệnh, chúng ta đã rút được những kinh nghiệm gì từ những trường hợp trên?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng ta rút ra là không thể để tình trạng COVID-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận. Đây là điểm dễ phát tán COVID-19, đồng thời nó làm tăng gánh nặng cho việc điều trị cho bệnh nhân lẫn cho ngành y tế.
Thứ hai, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần phải được phát hiện sớm, theo dõi và có những biện pháp xử lý càng nhanh càng tốt để hạn chế sự lan rộng của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân, cũng như hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do COVID-19 như trong trường hợp bệnh nhân 91.