Người đàn ông bất ngờ yếu liệt 2 chân, không thể đi lại, người nhà phải cõng vào viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân phải được phẫu thuật khẩn cấp vì nếu để qua 24 giờ, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Đó là trường hợp của anh N.T.V. (31 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng).
Đầu tháng 3/2019, nam bệnh nhân bất ngờ yếu liệt 2 chân, không thể đi lại, người nhà phải cõng đi cấp cứu lúc nửa đêm.
Suýt tàn phế vì căn bệnh "hiểm"
Tại bệnh viện sau khi tiến hành thăm khám và thực hiện chụp MRI cột sống thắt lưng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm tầng L4-L5 dạng mảnh rời, xuyên dây chằng dạng trung tâm – cạnh trung tâm bên trái, kích thước khoảng 16mm. Điều này gây ép bao màng cứng, chèn ép mạnh các rễ thần kinh.
Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, sau khi tiến hành hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh đã quyết định phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân bằng phương pháp vi phẫu lấy khối mảnh rời.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Châu, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh của một bệnh viện cho biết, bệnh nhân V. thoát vị đĩa đệm cấp với khối mảnh rời lớn, chèn ép chùm rễ thần kinh đuôi ngựa. Tình trạng này cần phải mổ cấp cứu trong thời gian 24 giờ kể từ lúc yếu liệt chân với hy vọng phục hồi cơ vòng 52%.
Nếu để sau 24 giờ, bệnh nhân có thể để lại hậu quả nặng nề như tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, rối loạn cương dương, thậm chí yếu liệt hai chân làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ kết thúc thành công. Bệnh nhân được theo dõi trong gần 3 ngày trước khi được cho xuất viện khi gần như hồi phục hoàn toàn, có thể đi lại nhẹ nhàng.
Theo lời người nhà bệnh nhân, khoảng một tuần trước khi nhập viện, anh V. thấy đau lưng nhưng vẫn đi lại sinh hoạt bình thường nên chủ quan chỉ mua thuốc uống. Hậu quả là đến sáng ngày 1/3 hai chi dưới anh đột ngột tê, yếu, giảm cảm giác và không thể đi lại nhưng để đến nửa đêm mới đi cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết để hồi phục tốt, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất, tránh kiêng cữ, bổ sung nhiều nước và chất xơ.
Ngoài ra, cần vận động, thể dục nhẹ nhàng để sức cơ nhanh chóng hồi phục. Tuyệt đối không mang vác nặng không đúng tư thế.
Thấy đau lưng, đừng nên coi thường
Theo các bác sĩ, đau lưng hiện nay là tình trạng phổ biến không chỉ ở người cao tuổi mà còn thường gặp ở người trẻ. Lối sống thiếu vận động, sai tư thế làm tăng nguy cơ đau lưng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 80% người dân từng bị ít nhất 1 lần đau lưng trong suốt cuộc đời.
Tại Việt Nam tỷ lệ mắc đau lưng cũng tương tự các nước trên thế giới. Hơn một phần ba số người bệnh đến khám tại Phòng khám chuyên khoa Nội Cơ xương khớp là người bệnh trẻ trong độ tuổi lao động (từ 20 - 50 tuổi).
Ở độ tuổi này, đau lưng không chỉ ảnh hưởng đến >sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến chất lượng làm việc.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, trên 85% nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ đa số có liên quan nhiều đến nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt.
Nhân viên văn phòng ngồi liên tục sai tư thế từ 7 - 8 giờ mỗi ngày hoặc công nhân ngồi lâu sai tư thế, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý là những nghề nghiệp có tỉ lệ người bị đau lưng cao hơn hẳn những người làm việc khác.
Một số trường hợp đau lưng do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm nặng có thể dẫn đến Hội chứng chùm đuôi ngựa (như trường hợp trên) do chèn ép thần kinh vùng cột sống lưng.
Hậu quả là gây mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, tê vùng hậu môn, yếu ở cả hai chân và nguy cơ cao bị liệt nếu không điều trị kịp thời.
Trong bệnh viêm cột sống dính khớp thường gặp ở người trẻ, biểu hiện ban đầu chỉ là đau lưng, có thể kèm theo sưng khớp. Bệnh này nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến tàn phế do các đốt sống viêm dính lại với nhau.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên đứng hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài. Nếu vì công việc phải đứng hoặc ngồi lâu thì nên đứng ngồi đúng tư thế và có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Một khi có biểu hiện đau lưng phải đến cơ sở y tế sớm để chẩn đoán kịp thời những trường hợp đau lưng bệnh lý.