Trẻ em ngủ ngáy không hiếm. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng ngủ ngáy cũng là một chứng bệnh và nó sẽ làm gương mặt đứa trẻ biến đổi theo chiều hướng xấu sau thời gian dài.
Một cặp vợ chồng ở Hồ Nam, Trung Quốc đưa con đi xét nghiệm huyết thống vì không giống cha mẹ bởi bé càng lớn càng xấu. Tại Bệnh viện Nhi trực thuộc Trường Đại học Y khoa Chiết Giang, bác sĩ Đằng Lập Bình phát hiện bé gái có hàm răng “nhấp nhô” mọc không đều, môi dày và mũi tẹt. Hỏi ra mới biết, từ khi còn nhỏ bé gái đã thường ngáy và thở bằng miệng khi ngủ. Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán cô bé bị phì đại adenoid (hay còn gọi là >viêm VA).
Vậy viêm VA là gì? VA được biết đến là tổ chức lympho tương tự như amidan nhưng nằm phía sau mũi, trên lưỡi gà, là vùng đặc biệt khó thấy ở trẻ nhỏ nên dễ bị bỏ sót khi khám bệnh.
Một trong những triệu chứng quan trọng nhất của viêm VA là ngạt mũi. Thường trẻ sẽ bị ngạt một bên rồi hai bên. Do ngạt mũi nên trẻ thở khó khăn, dẫn đến một số biểu hiện như khụt khịt, há miệng thở. Nếu không chú ý tới điều này, việc thở bằng miệng trong thời gian dài sẽ gây ra những thay đổi cấu trúc khuôn mặt của trẻ vĩnh viễn, ảnh hưởng đến môi dày, răng khểnh, không thẳng hàng.
Ngoài ra, việc ngủ ngáy còn ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. 75% hormone tăng trưởng của con người được tiết ra trong khi ngủ, nếu ngủ không ngon giấc mỗi ngày, trẻ khó có thể đạt được chiều cao chuẩn.
Trẻ từ 6 tháng – 6 tuổi là đối tượng của bệnh viêm VA. Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn thường xuyên, bao gồm viêm tai và viêm xoang, hoặc trẻ đang bị khó thở, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc phẫu thuật cắt bỏ VA.
Và quan trọng hơn hết, khi cha mẹ nhận thấy trẻ ngủ ngáy quá nhiều thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám sớm.