Không cần phải dùng thuốc, bạn vẫn có thể đánh bại cơn say tàu xe nhờ những thứ hết sức quen thuộc.

13:01 11/02/2018

Nỗi ám ảnh mang tên say xe khi về quê

Say tàu xe dù không phải "bệnh" gì nguy hiểm nhưng lại rất ảnh hưởng tới cuộc sống, đặc biệt khi bạn thường xuyên phải đi xe bus hay ô tô để đi học, đi làm hàng ngày. 

Nhiều người sẽ bị cảm giác buồn nôn, rồi "nôn thốc nôn tháo’’ như cào gan ruột, thậm chí nôn ra dịch xanh dịch vàng, xỉu thiếp đi không kiểm soát được bản thân. Từ đó có cảm giác sợ không dám đi xe nữa.

Sắp tới dịp nghỉ Tết nguyên đán, số lượng người đi xe về quê ăn tết rất đông, ám ảnh >say tàu xe của nhiều người vì thế lại càng tăng.

Tuy nhiên, những rắc rối đó có thể giải quyết nếu như bạn biết tận dụng vài bí quyết nhỏ sau đây để mỗi lần có việc phải đi xe thì không còn quá lo lắng hay áp lực nữa.

 

Vì sao có hiện tượng say tàu xe?

Cho dù bạn đi bằng bất cứ phương tiện giao thông nào thì nguyên nhân dẫn tới việc say xe đều giống nhau. Khi bạn ngồi trên xe, mắt sẽ chuyển về não nói rằng cơ thể đang ngồi yên, không di chuyển. Nhưng hệ thống tiền đình ở trong tai, nơi phụ trách cảm giác cân bằng của cơ thể lại báo về não rằng cơ thể đang di chuyển.

Khi những thứ bạn nhìn thấy và bạn cảm thấy bị mâu thuẫn nhau, não sẽ xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, một dấu hiểu gửi đến não giống như cơ thể có cảm giác bị trúng độc, từ đó não sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc, gây ra hiện tượng nôn ói.

Mang gì lên xe để không lo say?

Gừng

Bạn có thể mang theo gừng tươi hoặc kẹo gừng để chống say xe. Trong gừng có chất gingerols có tác dụng chống say xe rất tốt. Theo một nghiên cứu thì gừng có hiệu quả gần tương tự như thuốc chống say xe. Chính vì vậy, bạn có thể dán một miếng gừng vào rốn hoặc ngậm gừng tươi hay kẹo gừng trong miệng cũng có thể giảm bớt được tình trạng buồn nôn, chóng mặt.

Dầu thơm

Một số hương thơm như bạc hà hoặc hoa oải hương có hiệu quả khá tốt để chống buồn nôn. Bởi đôi khi việc kích thích các giác quan khác hoạt động có thể làm bạn mất tập trung và tạm thời quên đi cảm giác khó chịu.

Hơn nữa những mùi hương này còn có thể khiến tâm trạng thoải mái, thư giãn hơn, rất tốt cho >sức khỏe.

Vỏ cam quýt

Vỏ cam quýt cũng có tác dụng gần giống như tinh dầu thơm. Lấy một ít vỏ cam tươi cuộn tròn lại nhét vào mũi, tinh dầu ở vỏ cam sẽ giải phóng trong mũi và giảm cảm giác buồn nôn, chóng mặt.

Nếu không có vỏ cam thì có thể dùng vỏ chanh hoặc trái cây thuộc họ cam quýt cũng mang lại hiệu quả không kém.

Kính râm

Say xe đôi khi xuất phát từ việc bạn nhìn vào cảnh quan bên ngoài xe dẫn tới chóng mặt. Vì vậy, để có thể giảm bớt tình trạng say xe, bạn có thể đeo một chiếc kính râm tối màu hay bịt mắt khi ngủ để chặn tầm nhìn. Nhớ chuẩn bị sẵn thuốc nhỏ mắt để tránh mắt bị khô làm bạn dễ say hơn.

Khi bị cản tầm nhìn, bạn cũng sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ và quên đi cảm giác say.

Điện thoại + tai nghe

Những người bị say xe thường hay có nỗi ám ảnh sợ say ngay cả trước khi lên xe. Chính vì luôn lo lắng sợ bị buồn nôn khi đi xe khiến bạn suy nghĩ quá nhiều, đầu óc bị căng thẳng và càng dễ say hơn. Bật một danh sách các bài hát nhẹ nhàng và cắm tai nghe tận hưởng những giai điệu để tâm trí được thư giãn sẽ giúp bạn không còn nghĩ tới việc say xe. Việc nghe nhạc còn giúp bạn dễ ngủ, che đi tầm nhìn để tránh việc say.

Những điều nên tránh khi đi xe

- Tránh đọc sách, xem điện thoại

- Tránh ăn quá no trước khi lên xe

- Tránh ăn đồ nặng mùi

Theo Thùy Dương/Khám phá