Trước đợt gió mùa đông bắc được đánh giá là "rét lịch sử" sắp tới, chúng ta nên vận động thường xuyên để ngừa bệnh và nâng cao miễn dịch, nhưng cần phải chú ý 7 điều sau.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Bắc lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc mạnh. Bắt đầu từ đêm 29/12, nhiệt độ sẽ giảm dần và xuất hiện mưa lẫn sương mù dày đặc. Nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8-11 độ C còn vùng núi là 5-8 độ C hoặc thấp hơn, có nơi còn dưới 0 độ.
Trong những ngày lạnh giá, vận động luôn là liều thuốc cho >sức khỏe lẫn tinh thần, nhưng khác với mùa hè, chúng ta cần phải tuân thủ theo vài QUY TẮC để tránh chấn thương có thể xảy ra:
1. Mặc nhiều lớp áo để giữ ấm thay vì một lớp dày
Theo Brian Calkins – huấn luyện viên thể hình được chứng nhận bởi Hội đồng Thể dục Mỹ chia sẻ, việc mặc đồ nhiều lớp sẽ giúp thấm hút mồ hôi tốt, giữ không khí ấm lâu hơn và ngăn chặn những yếu tố gây bệnh như mưa, gió bên ngoài tác động vào. Chưa kể việc mặc nhiều lớp cũng giữ ấm tốt hơn mặc 1 lớp, đặc biệt còn dễ cởi bỏ chúng hơn khi cảm thấy nóng khi vận động.
Ông Brian cũng khuyến cáo cách mặc đồ vào mùa đông như sau: Đầu tiên là mặc một lớp lót làm từ vải tổng hợp để hút mồ hôi, tiếp theo là lớp giữa (ưu tiên loại có lông) và thêm một lớp bên ngoài nữa để bảo vệ cơ thể khỏi mưa gió. Cả 3 lớp nên chọn những loại vải mỏng nhẹ và co dãn tốt.
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chị em có thể lựa lớp ngoài cùng bằng chất liệu nilon nhẹ hoặc áo vest, áo khoác chống thấm. Nhưng cần lưu ý, phần áo ngoài này hạn chế dùng chất liệu quá thấm nước vì nó sẽ chặn hơi ẩm từ mồ hôi thoát ra, không tốt cho sức khỏe.
2. Khởi động thật kỹ và chậm rãi
Khởi động luôn là việc cần ưu tiên số một trước khi vận động để tránh chấn thương, nhưng trong mùa đông thì nó còn quan trọng gấp bội. Theo Debi Pillarella – phát ngôn viên của Hội đồng Thể dục Mỹ, nguy cơ bị bong gân lẫn căng cơ khi >tập thể dục ở nhiệt độ lạnh thường rất cao nên chúng ta phải khởi động thật kỹ và từ tốn.
Theo đó, việc khởi động trước khi tập sẽ giúp tiết ra chất nhầy ở các khớp nên làm giảm chấn thương. Nếu vận động vào mùa đông, hãy kéo dài thời gian tập một chút rồi tăng cường độ tập một cách từ từ, chậm hơn so với mùa hè để bảo đảm sức khỏe.
Hãy tưởng tượng cơ thể hệt như sợi dây chun, lúc trời lạnh mà kéo căng quá sẽ dễ đứt, nhưng nếu làm nóng lên thì chúng sẽ mềm và dẻo dai hơn. Thế nên trước khi bắt đầu tập thì phải khởi động kỹ bằng những bài thể dục nhịp điệu. Đơn giản nhất là leo 10 bậc cầu thang để kích hoạt cơ mông, cơ hông và gân.
3. Uống đủ nước
Trời càng lạnh thì ai cũng lười uống nước vì cảm thấy không khát. Thế nhưng, đây lại chính là nguyên do làm bạn táo bón và khô da hơn trong mùa đông. Ông Jeff Galloway – cựu vận động viên Olympic cho biết, cơ thể vẫn bị mất nước trong quá trình tập luyện nên dù không khát, bạn vẫn phải uống nước để tăng cường trao đổi chất và "tiêu diệt" mỡ thừa.
Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng giúp phụ nữ cấp ẩm, hỗ trợ da dẻ luôn mịn màng và không bị bong tróc trong mùa lạnh. Hãy chuẩn bị sẵn một bình nước để vừa tập vừa uống, lúc tập xong hãy uống thêm 1 lần nữa để bổ sung thêm. Mỗi ngày nên uống đủ từ 6 – 8 cốc nước và hạn chế uống nước lạnh.
Một cách khác để tự kiểm tra xem bạn uống đủ nước không là nhìn nước tiểu. Nếu nước tiểu đậm, lượng ít và tần suất không thường xuyên có nghĩa là cơ thể đang thiếu nước. Còn ngược lại, nước tiểu trong kèm với tần suất đi tiểu nhiều thì bạn đang uống nước quá thừa, cần giảm bớt.
4. Mặc đồ thật "khô"
Nỗi khổ ai cũng thấu trong mùa đông chính là việc phơi đồ mãi không khô. Vậy nên, nhiều người đã chấp nhận mặc đồ còn ẩm vì "không còn gì để mặc". Nhưng ông Jeff lên tiếng cảnh báo rằng, việc này sẽ làm cơ thể bị hạ nhiệt rất nhanh khi tập luyện và tăng nguy cơ mắc bệnh lên trông thấy.
Thế nên dù trong bất kỳ tình huống nào, hãy phơi thật khô rồi mới mặc những trang phục đó lên người, nếu gấp quá thì có thể dùng máy sấy để "chữa cháy" tạm thời. Khi tập thể dục thì ưu tiên chọn áo quần bằng sợi tổng hợp (polyester, nilon hoặc polypropylene) vì chúng khô và hút ẩm cực nhanh.
5. Không tập thể dục quá sớm vào buổi sáng
Trong thời tiết lạnh thì vào 4 - 5 giờ sáng là lúc mà nhiệt độ còn thấp, buổi sáng còn có sương mù. Chưa kể vào sáng sớm, lúc mà mặc trời chưa mọc, cây cối vẫn chưa quang hợp nên lượng carbon do chúng thải ra vẫn còn nhiều trong không khí, hít phải sẽ không tốt cho sức khỏe. Vậy nên dù có chăm dậy sớm tập thể dục thì cũng gây hại chẳng kém.
Vào mùa đông, bạn nên chờ cho trời sáng hẳn rồi hẵng tập thể dục mới tốt. Lúc này lượng oxy trong không khí cũng nhiều hơn carbon, có tác dụng tích cực cho sức khỏe nói chung và bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nói riêng. Ngoài ra, tập muộn cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ do sốc nhiệt vào sáng sớm.
6. Tập ở nơi thoáng khí, ít người
Theo một vài thống kê, bình thường mỗi người thải ra khoảng 20 lít carbon dioxide mỗi giờ. Khi tập ở nơi kín và đông người, lượng chất này cũng tăng lên nhanh chóng khiến không khí tại đây bị ô nhiễm, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi thấy rõ. Cuối cùng sẽ khiến kết quả tập luyện của bạn không như ý muốn.
Vì vậy hãy cố gắng chọn những nơi tập thoáng khí, ít người để hít thở không khí trong lành. Nên ưu tiên tập ngoài trời, nơi có nắng hoặc có mái che là phù hợp nhất, tránh tập trong phòng đông đúc.
7. Không nên tập quá lâu, nên tập các bài nhẹ
Ai cũng nghĩ tập càng lâu thì cơ thể mới dẻo dai và tiêu mỡ tốt. Tuy nhiên vào mùa đông, việc vận động quá sức sẽ khiến bạn mệt mỏi, ảnh hưởng đến đề kháng của cơ thể nên dễ cảm lạnh. Đối với người trung niên, người già hoặc bệnh nhân tim mạch, bệnh lý phổi... càng cần tránh tập thể dục quá lâu vào buổi sáng sớm. Hãy tùy theo sức của mình mà lựa chọn những bài tập nhẹ để cơ thể vận động là được.