Theo các chuyên gia, ngành y tế hiện nay chưa thể kiểm soát được các cơ sở thẩm mỹ. Vì vậy, các tai biến, sự cố vẫn có nguy cơ xảy ra.

12:06 11/11/2019

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề các tai biến y khoa xảy ra trong thời gian qua, TS.BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Thẩm mỹ - Bệnh viện An Sinh TP.HCM, Giảng viên Đại học Y khoa, cho biết ngành y tế hiện nay có đầy đủ quy định về quảng cáo, khám, chữa bệnh và chăm sóc >sức khỏe. Thậm chí, các quy định này còn chi tiết, cụ thể hơn của nhiều nước ASEAN.

“Tuy nhiên, để giám sát, thực thi và xử lý kịp thời các tai biến xảy ra là vấn đề ngành y tế hiện nay chưa làm nổi. Do đó, các tai biến, sự cố vẫn có nguy cơ xảy ra vì thông thường, khi nào có sự cố thì cơ quan quản lý mới can thiệp” TS Bích nói.

20 ngày sau vụ tử vong ở Việt Kiều Mỹ tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, Sở Y tế TP.HCM mới công bố nguyên nhân chính thức. Ảnh: Trương Khởi.

Theo chuyên gia này, những thiếu sót trong quá trình xét nghiệm, khai thác bệnh sử, có thể đưa đến nguy hiểm cho bệnh nhân. Do đó, về mặt pháp lý và y đức, bác sĩ phải có trách nhiệm phòng ngừa tai biến có thể xảy ra cho bệnh nhân.

Bất cứ tai biến nào cũng đều liên quan đến ba yếu tồ gồm người làm chuyên môn, cơ thể bệnh nhân và cơ quan quản lý. Khi có tai biến xảy ra, hội đồng chuyên môn gồm những người có kinh nghiệm sẽ phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai.

Trả lời trên VTV, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết trường hợp tai biến, sự cố thẩm mỹ xảy ra tại các cơ sở được pháp luật cấp phép hành nghề, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bệnh viện đó. Tiếp theo là sở y tế trực tiếp giám sát, quản lý địa bàn. Sau cùng là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc giám sát chung.

Đối với các thẩm mỹ viện, spa, trung tâm >làm đẹp, các cơ sở hành nghề “chui”…tiến hành các thủ thuật xăm lấn không được cấp phép của Bộ Y tế, khi xảy ra tai biến, trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép kinh doanh cho cơ sở này như UBND quận, huyện và sở y tế.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP.HCM cho rằng: "Lực lượng quản lý hiện nay chưa bao phủ khắp để quản lý kịp thời, việc xử lý chưa nghiêm minh. Nhất là những người hành nghề không có giấy phép, ngành y tế càng không thể quản lý được. Từ đó mới dẫn đến quảng cáo tràn lan, quá chức năng, phản khoa học… Chịu thiệt hại nhất vẫn là người dân khi không thể phân biệt được nơi nào tốt".

Thẩm mỹ viện Sophie International vừa bị đình chỉ hoạt động vì không có giấy phép hành nghề. Ảnh: B.Huệ.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết qua hàng loạt các sự cố, cơ quan quản lý cần siết chặt việc cấp giấy phép hành nghề và hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ.

Đặc biệt, cơ quan này cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở hành nghề chuyên khoa >phẫu thuật thẩm mỹ để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện phát hiện và xử lý nhiều trường hợp cơ sở thẩm mỹ trá hình hoặc hành nghề quá phạm vi cho phép. Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo và hành nghề trái phép và quá phạm vi chuyên môn vẫn còn là một thách thức đối với ngành y tế.

“Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp kiểm tra, xử phạt các cơ sở cố tình vi phạm nhưng tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng giảm, các sự cố y khoa vẫn xảy ra và có nguy cơ tái xảy ra”, bà Mai nói.

Theo Bích Huệ/Zing