Liên quan đến lô tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản do chứa axit benzoic, vấn đề được nhiều người quan tâm là có bao nhiêu chất bảo quản trong loại gia vị này.
Vừa qua, hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu đã bị thu hồi ở thành phố Osaka (Nhật Bản) do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa chất phụ gia axit benzoic, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về tình trạng sử dụng quá nhiều chất bảo quản trong thực phẩm.
Mục đích sử dụng hóa chất bảo quản
Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng hóa chất bảo quản để lưu giữ thực phẩm tươi lâu hơn, giúp việc kinh doanh thu lại nhiều lợi nhuận.
Các hóa chất bảo quản có thể là những hợp chất tự nhiên nhưng cũng có thể là những hợp chất tổng hợp. Những hợp chất bảo quản tự nhiên thường lưu giữ được dưỡng chất và mùi vị của thực phẩm, lại ít ảnh hưởng đến >sức khỏe con người nên được khuyên dùng. Do hợp chất bảo quản tự nhiên rất hiếm và giá thành đắt, xu hướng sử dụng hóa chất bảo quản tổng hợp được ưa chuộng.
Mục đích sử dụng hóa chất bảo quản là tác động đến các enzym phân hủy có trong thực phẩm, ức chế sự phá hủy của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, mốc, ngăn ngừa côn trùng phá hoại. Việc sử dụng hoá chất thường được lựa chọn vì đơn giản, dễ làm, nhanh, tiện lợi, dễ kiểm soát và nhất là có thể kéo dài thời gian lưu trữ. Có rất nhiều loại hợp chất bảo quản được sử dụng trong tương ớt như axit benzoic; natri benzoate và các loại benzoate thay thế (kali benzoate và canxi benzoate); kali sorbate; natri metabisulfite; natri sulfite....
Mặc dù được phép sử dụng, những hóa chất này cũng những tác hại nhất định nên chúng chỉ được thêm vào ở một nồng độ cho phép. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng dựa theo đúng tiêu chuẩn cho phép của các hóa chất này vì muốn kéo dài thời gian bán và thu lợi nhuận. Điều này có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe của người tiêu dùng trước mắt cũng như lâu dài.
Những hậu quả khi lạm dụng hóa chất bảo quản
Các hóa chất bảo quản có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trong các trường hợp lạm dụng, dùng quá hàm lượng cho phép, dùng các hóa chất trong danh mục đã bị cấm.
Axit benzoic và natri benzoate (và các loại benzoate thay thế) được coi là an toàn với con người. Nhưng theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), khi kết hợp chúng với axit ascorbic (hay vitamin C) sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene - chất gây ung thư và các bệnh mạn tính khác. Đa số rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, vì vậy, việc sử dụng natri benzoate trong quá trình bảo quản thực phẩm đều làm tăng khả năng sinh ra benzen.
Lượng axit benzoic được phép có trong thực phẩm ở mức 0,05-0,1% tùy theo thể tích. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều lượng natri benzoate tối đa mà cơ thể có thể xử lý được là 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Người tiêu thụ nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc.
Axit benzoic có thể xâm nhập vào cơ thể qua da cũng như đường tiêu hóa và hô hấp. Vì vậy, nếu dùng quá liều, nó có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, hen suyễn, phát ban, ngứa và kích ứng da và mắt. Các nhóm người có nguy cơ cao nhất có thể gặp phải tác dụng phụ của axit benzoic bao gồm trẻ em, những người nhạy cảm với aspirin hoặc có vấn đề về bệnh gan.
Kali benzoate và canxi benzoate thường được sử dụng thay thế cho natri benzoate trong trường hợp thực phẩm cần hàm lượng natri thấp hơn. Chúng cũng có tác dụng phụ nguy hiểm như natri benzoate.
Kali sorbate có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, dù rất hiếm. Vì vậy, nếu bạn có nguy cơ cao bị dị ứng, hãy đọc nhãn thành phần thực phẩm cẩn thận.
Kali sorbate là loại muối không mùi và không vị được tổng hợp từ axit sorbic và kali hydroxit. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khuyến cáo lượng tiêu thụ kali sorbate an toàn với con người là dưới 25 mg/kg trọng lượng mỗi ngày.
Natri metabisulfite được sử dụng làm chất bảo quản và chống oxy hóa trong thực phẩm. Hít phải natri metabisulfite có thể gây kích thích đường hô hấp. Các triệu chứng bao gồm khó thở và ho. Ở một số người, natri metabisulfite có thể gây dị ứng, hen suyễn. Nó cũng gây kích ứng da như đỏ, ngứa và đau khi tiếp xúc trực tiếp với da.
Ăn nhiều natri metabisulfite có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tuần hoàn và suy nhược hệ thần kinh trung ương. Một liều natri metabisulfite gây tử vong là khoảng 10 g cho một người trưởng thành.
Natri sulfite là phụ gia giúp bảo quản độ tươi và giữ màu thực phẩm. Sau khi xảy ra nhiều phản ứng ở mức độ nghiêm trọng khác nhau, FDA đã hạn chế sử dụng natri sulfite từ năm 1986, không cho phép dùng chúng trong các sản phẩm tươi sống hoặc thực phẩm chứa vitamin B1.
Natri sulfite có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như đau đầu hoặc nghiêm trọng như sốc phản vệ trong vòng 15-30 phút sau khi ăn. Hợp chất này cũng có thể dẫn đến các phản ứng thở khò khè, hẹp đường thở, khó thở. Ngoài ra, một số trường hợp cũng gặp triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Cắt bỏ hoàn toàn chất bảo quản ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày là điều khó khăn nhưng giảm đi là có thể. Bạn hãy đọc nhãn trên sản phẩm cẩn thận trước khi mua hàng để đảm bảo chúng có phù hợp với gia đình mình hay không.