Cứ mắc phải những thói quen này khi học thì chỉ khiến sức khỏe các sĩ tử ngày càng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là trong mùa thi cử căng thẳng.
Vừa học vừa ăn
Để có thêm thời gian học được nhiều hơn thì các sĩ tử lại chọn cách vừa ăn vừa học. Tuy nhiên, thói quen này vừa khiến bạn mất nhiều thời gian ăn mà còn gây hại không nhỏ tới >sức khỏe về sau.
Nếu bình thường chỉ mất khoảng 15 - 20 phút là bạn đã ăn xong bữa cơm thì khi kết hợp cùng việc học sẽ kéo dài bữa ăn tới 30 phút. Điều này chẳng những gây mất thời gian mà còn làm giảm hiệu quả học lẫn việc thu nạp chất >dinh dưỡng vào cơ thể.
Đặc biệt, cách học này còn gây ảnh hưởng lớn tới dạ dày. Bởi một phần máu sẽ phải vận chuyển lên não để phục vụ cho việc học nên khiến quá trình tiêu hóa bị cản trở. Về lâu về dài, thói quen này sẽ gây ra bệnh viêm loét dạ dày, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập.
Ngồi lì trong phòng học cả ngày
Đừng nghĩ rằng, cứ chuyên tâm ngồi học trong một không gian tĩnh sẽ giúp bạn tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Bởi thói quen này sẽ khiến đầu óc bị căng thẳng, mệt mỏi, từ đó gây mất tập trung và khó thu nhận kiến thức. Và hậu quả là bạn sẽ chẳng học được bao nhiêu mà còn làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Cách học trong phòng tốt nhất là cứ khoảng 2 tiếng thì nên đứng dậy thư giãn bằng cách đi dạo một vòng, trò chuyện với người trong nhà, nghe nhạc >giải trí... để giúp đầu óc thoải mái và tăng hiệu quả học tập lẫn độ tập trung.
Nằm học trên giường
Đây là thói quen mà nhiều người thường hay mắc phải khi học, tuy nhiên, việc học trên giường khiến bạn dễ buồn ngủ, đầu óc sẽ lơ mơ, mất tập trung và làm giảm hiệu quả học tập. Mặt khác, nếu không ngồi học đúng cách trên bàn thì bất kỳ tư thế nằm học bài nào khi ở trên giường cũng gây hại không nhỏ tới cột sống cổ, lưng và đôi mắt của bạn.
Thức khuya học bài
Thói quen này chẳng những không mang lại lợi ích gì mà còn khiến bạn mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong ngày. Do ban đêm là lúc cơ thể lẫn đầu óc cần được nghỉ ngơi nên bạn đừng cố thức khuya học bài để nhồi nhét thêm bất kỳ kiến thức gì vào. Đặc biệt, thức quá khuya vừa gây hại sức khỏe, vừa khiến bạn lờ đờ, uể oải và khó tập trung vào sáng hôm sau.
Vậy nên, thay vì thức khuya học bài thì bạn nên đi ngủ sớm trước 11 giờ và cố gắng đảm bảo giấc ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng. Nhờ đó, sáng hôm sau ngủ dậy thì bạn sẽ có một tinh thần minh mẫn, tỉnh táo để học bài hiệu quả hơn.