Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, nhiều người tự sử dụng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian mà không biết rằng nó có tác dụng phụ.

05:15 30/09/2019

Trao đổi với Zing.vn chiều 28/9, bác sĩ chuyên khoa da liễu Hoàng Văn Tâm nói về ca bệnh liên quan >lá trầu không khiến không ít người giật mình.

Hai chân của nữ bệnh nhân sau khi ngâm trong nước lá trầu không. Ảnh: BSCC.

Bệnh nhân là cô gái 20 tuổi, đã ngâm chân vào chậu nước lá trầu không để trị mùi hôi. Để tăng hiệu quả, cô gái lấy tay phải vớt nước tưới thêm vào mu và cẳng chân. Hôm sau, tay phải và 2 chân của cô bị đỏ da, rồi bong vảy, giống như bạch biến.

“Bệnh nhân điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi trong thời gian dài nhưng không hiệu quả. Sau đó, cô tham gia hội bạch biến trong nỗi tuyệt vọng”, bác sĩ Tâm kể.

Khám và khai thác lại tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không mắc bạch biến. Nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng bệnh lý này là >viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không. Hiện tại, bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội).

“Bệnh nhân được chiếu UVB và bôi tacrolimus nhưng sau 1,5 tháng không đỡ. Hiện tại, cô gái này dùng excimer phối hợp tacrolimus, có dấu hiệu giảm. Nếu không hết hoàn toàn, bệnh nhân có thể sẽ được cấy tế bào hắc tố vào vùng tổn thương”, bác sĩ Tâm cho hay.

Tay phải của cô gái cũng bị giảm sắc tố. Ảnh: BSCC.

Không chỉ cô gái nói trên, bác sĩ Tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề từ việc sử dụng lá trầu không khi >chăm sóc da mặt, trị nám.

“Nhiều người sử dụng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian mà không biết rằng tác dụng phụ của nó khi được hấp, chiết xuất để bôi hoặc ngâm có thể gây viêm da tiếp xúc nặng, tăng, giảm sắc tố”, bác sĩ Tâm cảnh báo.

Ông cho biết thêm lá trầu chứa phenolic compounds, có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên tác dụng làm trắng nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone.

Nếu dùng lâu dài, nó sẽ làm mất hoàn toàn màu da, tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Tác dụng giảm sắc tố của những chất này sẽ tự mất đi theo thời gian. Nhiều người có thói quen ăn trầu cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng.

Bác sĩ Tâm dẫn một nghiên cứu trên 15 con chuột sử dụng lá trầu không hấp cho thấy viêm da tiếp xúc gặp ở 13/15 con, tăng sắc tố 12/15 con và làm cho lông chuột trở nên trắng 8/15 con.

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi sử dụng phương pháp dân gian, trị bệnh với loại lá này, nên thận trọng để giảm thiểu tác dụng phụ.

Theo Hà Quyên/Zing