Các chuyên gia khoa học đã lên tiếng cảnh báo việc sử dụng tinh bột nghệ sai cách có thể làm thủng dạ dày và nhiều biến chứng khác nếu dùng sai cách.
Dùng tinh bột nghệ để chữa bệnh và >làm đẹp ngày nay khá phổ biến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như chất lượng tinh bột nghệ kém, hay sử dụng sai cách… đã khiến nhiều người dùng vô tình rước bệnh vào thân.
Trên thực tế, theo nhiều nhà nghiên cứu, tinh bột của nghệ vàng có tác dụng tăng khả năng kháng viêm, chống oxy hóa, chống một số bệnh ngoài da, chống khuẩn, hỗ trợ chữa các bệnh về dạ dày, hành tá tràng, gan… Bên cạnh đó, tinh bột nghệ còn góp phần đốt cháy lượng mỡ thừa, giúp người dùng giảm cân an toàn. Đối với lĩnh vực làm đẹp, chất curcumin có trong tinh bột nghệ giúp đẩy lùi sắc tố melanin gây nám, sạm da và tàn nhang, mang lại làn da trắng hồng.
Việc sử dụng tinh bột của nghệ vàng trong lĩnh vực làm đẹp và chữa bệnh có từ rất sớm. Trong các nền văn minh cổ đại Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung, nghệ và curcumin từ lâu đã được dùng làm thảo dược. Ngoài ra, nền y học hiện đại của phương Tây cũng đã bắt đầu nghiên cứu tiềm năng của nghệ trong việc chữa trị các chứng bệnh như ung thư và tiểu đường.
Với những ưu điểm riêng có, tinh bột nghệ ngày càng được sử dụng rộng rãi. Dạo quanh một vòng khắp mạng xã hội, không khó để bắt gặp những tài khoản đăng bán tinh bột nghệ với những lời lẽ có cánh cùng công dụng thần kỳ và tuyệt đối an toàn. Chính việc quảng cáo “nhan nhản” như vậy khiến nhiều người tin rằng, uống tinh bột nghệ có thể chữa bách bệnh, dẫn đến lạm dụng loại tinh bột này! Đó là chưa kể, với nhiều sản phẩm dán mác “tinh bột nghệ” được bán tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần càng làm người sử dụng gặp nguy hiểm khi đưa loại này vào cơ thể.
Một trong những cách sử dụng tinh bột nghệ phổ biến nhất đó chính là sử dụng để chữa bệnh dạ dày. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phùng Hòa Bình (Nguyên Trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, ĐH Dược Hà Nội), một trong những tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày là vi khuẩn HP. Vì vậy, muốn điều trị bệnh thì cần phải dùng thuốc kháng sinh diệt khuẩn HP. Có nghĩa là trong trường hợp này, tinh bột nghệ chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và không có tác dụng giảm tiết dịch vị dạ dày. Chính vì vậy, việc chỉ sử dụng riêng tinh bột nghệ thì hiệu quả mang lại rất thấp. Điều cần thiết, ngoài tinh bột nghệ cần phải phối hợp với các loại thuốc khác đặc trị bệnh.
Cũng theo PGS.TS Phùng Hoà Bình, trong Đông y không có thảo dược nào là "tinh bột nghệ", mà chỉ có bột nghệ và tinh nghệ. Tinh chất nghệ chính là hợp chất Curcumin. Đây là chất có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể, phòng chống tế bào ung thư, có thể làm lành các vết loét. Vì vậy, trong trường hợp người bị dạ dày thì có thể dùng tinh nghệ với vai trò là để hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu bột nghệ vẫn còn tinh dầu thì người bệnh sử dụng sẽ bị kích ứng dạ dày, không tốt cho việc điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã khuyến cáo không nên coi nghệ là thần dược điều trị bất cứ loại bệnh gì, việc dùng bừa bãi có thể gây nên tác động khó chịu, làm tổn hại các cơ quan, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, nếu lạm dụng loại tinh bột này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu sử dụng một lượng nghệ nhỏ khi nêm nếm đồ ăn thường rất hiếm để lại tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều và lâu dài, ví dụ vài gram một ngày có thể gây ra tác dụng phụ như nôn, mửa, tiêu chảy và thậm chí là loét dạ dày. Nếu sử dụng nhiều nghệ có thể khiến triệu chứng của bệnh viêm túi mật trở nên xấu đi.
Theo Tiền Phong, dưới đây là một số lưu ý khi dùng nghệ:
- Không dùng tinh bột nghệ với thuốc tây cùng lúc để đề phòng trường hợp ảnh hưởng đến máu.
- Nữ giới bị rong kinh kéo dài không nên sử dụng tinh bột nghệ vì tinh bột nghệ có tác dụng khai thông khí huyết, vì vậy chỉ có tác dụng chữa tích huyết, bế kinh chứ không thể chữa rong kinh.
- Những người bị bệnh về dạ dày, đường ruột nên uống tinh bột nghệ đen (tinh bột nghệ đen mật ong nước lọc) trước bữa ăn.
- Không nên xem nghệ là thần dược vì nó chỉ có tác dụng khi sử dụng vừa phải. Chất curcumin mặc đù được biết đến với khả năng giảm viêm, chống oxy hóa nhưng nếu sử dụng quá nhiều cùng có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, gây ra thiếu sắt ở bệnh nhân mẫn cảm.
- Tiêu thụ curcumin liều cao còn kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisone - một chất có tính kháng viêm cao. Vì vậy, nếu tiêu thụ nhiều nghệ, khả năng kháng viêm của cơ thể sẽ giảm đi.