Trên đường đi taxi đến bệnh viện, sản phụ Lệ chuyển dạ sinh con trong tình trạng thai ngôi ngược, đầu trẻ bị kẹt lại âm đạo. Rất may, cháu bé được bác sĩ cứu sống.
Sau hai tuần cấp cứu, chiều 6/8, >sức khỏe mẹ con sản phụ Trần Thị Lệ (26 tuổi, ngụ xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) dần hồi phục, ổn định.
Trước đó, chiều 23/7, sản phụ Lệ chuyển dạ tại nhà. Sau đó, người thân gọi taxi đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cấp cứu. Khi taxi cách bệnh viện khoảng 3 km, sản phụ sinh con trên xe trong tình trạng thai ngôi ngược, phần đầu em bé bị kẹt lại âm đạo của mẹ.
Sau khi sản phụ nhập viện, các bác sĩ khoa Sản khẩn cấp hội chẩn, phẫu thuật đưa đầu em bé ra ngoài.
Bé trai nặng 3 kg chào đời trong tình trạng không khóc, nhịp tim rời rạc, mạch không phản xạ. Nhóm bác sĩ nhi - sơ sinh được huy động kịp thời hồi sức tích cực tim, phổi, đặt nội khí quản cứu sống cháu bé trong gang tấc. Sau đó, em bé được chuyển về khoa Sơ sinh, đưa vào phòng thở máy và áp dụng phương pháp làm lạnh (hạ thân nhiệt chủ động) trong vòng 72 giờ.
Bác sĩ Trần Thị Hiền Trang, khoa Nhi Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, chia sẻ trường hợp con sản phụ Lệ bị kẹt đầu trong âm đạo của mẹ, ngạt quá lâu dẫn đến thiếu oxy não nặng. Nhờ kịp thời hồi sức tích cực, cho thở máy và áp dụng phương pháp làm lạnh, hiện tại bé thở đều và có thể bú sữa mẹ.
Theo bác sĩ Trang, thai ngôi ngược, ối vỡ sớm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như sa dây rốn, gây suy thai cấp, trẻ bị ngạt do thiếu oxy lên não. Tình trạng thiếu oxy lên não trong thời gian dài không chỉ khiến các tế bào não chết dần mà còn gây ra tổn thương nghiêm trọng cho não của thai nhi. Hậu quả của bệnh lý này khiến trẻ tử vong cao và có thể để lại di chứng nặng như chậm phát triển tâm thần vận động.
Do vậy khi mang bầu, các bà mẹ cần thăm khám thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Nếu có triệu chứng bất thường, thai phụ nên đi khám kiểm tra. Trường hợp ở xa nên nhập viện chờ sinh từ sớm để tránh sự cố không mong muốn nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.