Nhiều người lo sợ việc uống sắn dây kết hợp cùng mật ong sẽ tạo thành chất cực độc có thể gây chết người.
Thời tiết nắng nóng, sắn dây là loại nước giải nhiệt thường được khuyến cáo nên dùng hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại khi có thông tin cho rằng uống sắn dây kết hợp cùng mật ong sẽ tạo thành chất độc chết người.
Về thông tin này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định: “Uống sắn dây kết hợp cùng mật ong tạo chất độc chết người là không chính xác. Chúng ta vẫn có thể nấu chè bột sắn dây và thêm mật ong cho thơm ngon, nhiều chất >dinh dưỡng. Nhưng điều kiện là mật ong phải đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm khi chế biến”.
Theo bà Lâm, các thực phẩm không kỵ nhau đến mức gây nguy hiểm cho >sức khỏe. Chỉ có những thực phẩm có thể tác dụng hiệp đồng hoặc gây hạn chế tác dụng của nhau. Ví dụ, uống trà, cà phê đặc ngay sau bữa ăn có thể gây hạn chế hấp thu sắt. Nước, quả chín giàu vitamin C lại giúp tăng cường hấp thu sắt.
“Nếu bạn ăn các loại rau nhuận tràng cùng với hải sản như hàu, ngao - là những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn - cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Với sắn dây, khi uống, cần lưu ý những người viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa không nên sử dụng vì chúng có thể gây nhuận tràng”, PGS Lâm lưu ý.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cũng cho biết bột sắn sau khi tinh lọc chỉ còn tinh bột, khi ăn vào cơ thể chuyển hóa thành đường glucoza. Còn mật ong có thành phần hầu hết là đường glucoza, đường fructoza và một số vitamin, vi lượng, hoạt chất sinh học.
“Mật ong là chất bổ dưỡng tốt, có tác dụng chữa bệnh về đường ruột và có tính kháng khuẩn nên không hề gây hại. Về tương tác với bột sắn dây, hoàn toàn là sự bịa đặt bởi mật ong tính bình, sắn dây tính mát kết hợp với nhau không hề gây ra phản ứng”, lương y Trung cho hay.
Còn theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bột sắn dây có độc tính rất thấp, không có tác dụng gây đột biến, nên có thể dùng thường xuyên. Tuy nhiên cần phân biệt sắn dây ta và sắn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, sắn dây Trung Quốc cho lượng bột nhiều hơn nhưng chất lượng giải nhiệt và mùi thơm không tốt bằng sắn ta. Hơn nữa, vì lợi nhuận, người bán thường hay trộn bột sắn thường với bột sắn dây để kiếm lời.
Chuyên gia này khuyến nghị người dân nên tự mua củ sắn dây tươi, tự chế biến hoặc thuê các cơ sở có uy tín và đảm bảo vệ sinh.
Một số cách dùng bột sắn dây hiệu quả:
- Củ sắn dây thái phiến, phơi hoặc sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 20-30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng uống thay trà trong ngày. Có thể pha thêm đường phèn để dễ uống hơn.
- Pha bột sắn dây, đường trắng cùng nước sôi để nguội, cho một chút nước cốt chanh hoặc quất. Mùa hè có thể cho thêm đá.
- Củ sắn dây thái phiến và câu đằng lượng bằng nhau, hai thứ đem tán vụn, phơi hoặc sấy khô, trôn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30 g đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt cho những người bị cao huyết áp, đau đầu, nhiệt miệng, cổ vai đau nhức.
- Củ sắn dây 200 g, đan sâm 180 g, bạch linh 90 g, cam thảo 60 g. Tất cả sấy khô tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 40 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là thứ nước giải khát cực tốt cho những người mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng.