Dị ứng, niềng răng kẹt trong bụng, suýt đột quỵ, tử vong... là những tai nạn hy hữu bạn có thể gặp phải khi niềng răng.
Niềng răng chưa bao giờ là việc đơn giản, đó là một cuộc chiến có cả máu và nước mắt, tất cả đều vì cái đẹp và >sức khỏe răng miệng tốt hơn. Bên cạnh việc phải đối mặt với đau đớn, sụt cân, viêm lợi, hôi miệng… thì trên thế giới còn có những tai nạn >niềng răng đầy hy hữu nữa. Cùng tìm hiểu các >tai nạn khi niềng răng này để tránh không mắc phải bạn nhé!
Hàm răng biến dạng do sử dụng niềng răng chất lượng thấp
Mới đây, một trường hợp do sử dụng niềng răng chất lượng thấp khiến răng chĩa lên trời tại Philippines đã khiến cư dân mạng phải xôn xao. Được biết, hàm răng biến dạng này là tác phẩm của một nha sĩ tay nghề thấp, không có giấy phép hành nghề. Nha sĩ này đã cho bệnh nhân sử dụng một chiếc niềng răng kém chất lượng, chỉ toàn là dây thép. Thay vì ép răng vào bên trong, chiếc niềng này lại gây ra lực kéo ngược, kéo hết răng của bệnh nhân ra ngoài, chĩa ngược lên trời.
Điều đáng buồn là không có cách nào khiến hàm răng của bệnh nhân này trở lại như cũ. Sự việc cảnh báo đến những người có ý định đi niềng răng cần phải lựa chọn nơi thực hiện uy tín, có bác sĩ tay nghề cao và công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Dị ứng với chiếc niềng răng
Một chiếc niềng răng thông thường được làm từ niken, coban và thép. Mặc dù không có nhiều người bị dị ứng với kim loại này, nhưng những trường hợp hy hữu vẫn xảy ra và một cô bé tại Mỹ đã suýt mất mạng vì chiếc niềng răng của mình.
Kennedy Odom (16 tuổi) đến từ Tennessee (Mỹ), đã bắt đầu niềng răng từ tháng 2 năm 2015. 9 tháng sau, Kennedy đã bắt đầu bị đau đầu. Những triệu chứng dị ứng đã nhanh chóng xảy ra tiếp theo như sốt, sưng tấy đỏ ở môi, đau họng… Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ chẩn đoán cô bé bị viêm họng và kê thuốc kháng sinh, điều này đã làm cho những triệu chứng dị ứng của Kennedy không hề thuyên giảm mà còn nặng hơn, khiến cơ thể cô bé bị suy nhược nặng nề.
Các vết sưng tấy và mụn mủ quanh miệng của cô bé do dị ứng niềng răng.
Mãi đến về sau, một thành viên trong gia đình nhận thấy rằng, những triệu chứng sưng tấy môi, mụn nước chỉ xuất hiện xung quanh vùng miệng nên đã yêu cầu các bác sĩ kiểm tra. Kết quả cho thấy cô bé bị dị ứng niken từ chính chiếc niềng răng trong miệng. Chiếc niềng răng được tháo bỏ và các triệu chứng trên của Kennedy đã thuyên giảm ngay lập tức.
Mảnh niềng răng kẹt trong bụng
Một trường hợp niềng răng khác hy hữu hơn đã xảy ra với một người phụ nữ 30 tuổi ở Australia. Cô nhập viện do đau bụng dữ dội, và kết quả chụp CT cho thấy có một đoạn kim loại dài 7cm đã đâm thủng ruột non. Do bị đâm vào nhiều chỗ, ruột non của người phụ nữ này đã bị xoắn xung quanh, gây ra một hiện tượng xoắn non và cần phải được phẫu thuật gấp.
Sau khi dị vật trong ruột non được lấy ra, các bác sĩ mới nhận ra đó là sợi dây kim loại của chiếc niềng răng. Người phụ nữ cho biết, cô đã đeo niềng răng từ 10 năm trước, và không nhớ là đã nuốt phải sợi dây này lúc nào. Rất có thể đoạn dây kim loại này đã nằm trong hệ tiêu hóa của người phụ nữ từ rất lâu, và đến khi chúng đâm vào ruột non thì các cơn đau mới bắt đầu.
Suýt mất mạng vì niềng răng quá chặt
Chỉ một tuần sau khi đến nha sĩ niềng răng, Leah Kitchen, 15 tuổi ở Anh, đã bị sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau khớp và đau cơ bắp, nhưng bác sĩ chỉ chẩn đoán cô bé bị cúm và kê các loại thuốc thống thường. Leah càng lúc càng có những hành động bất thường và mất trí nhớ, đồng thời bị đột quỵ nhẹ hai lần.
Leah Kitchen với chiếc niềng răng.
Leah nhanh chóng được đưa vào bệnh viện và được chẩn đoán là mắc chứng viêm nội tâm mạc và đã được phẫu thuật. Viêm nội tâm mạc là một loại bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao do vi khuẩn đi vào máu, gắn vào nội mạc cơ tim và khiến các van tim bị tổn thương. Đây là bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm do có các dấu hiệu sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ bắp tương đồng với những loại cúm thông thường.
Nhóm người có sức khỏe tim mạch yếu thường là đối tượng hay bị các loại vi khuẩn gây ra viêm nội tâm mạc tấn công. Để phòng bệnh thì những người có nguy cơ cao phải giữ vệ sinh răng miệng tốt, chải răng, xỉa và chăm sóc nướu đúng cách, khi làm những thủ thuật tai mũi họng, lấy cao răng phải thông báo cho nha sĩ về tiền sử bệnh. Trong trường hợp của Leah, chiếc niềng răng siết quá chặt đã làm vi khuẩn trong khoang miệng cô bé sinh sôi mạnh, dẫn đến mắc phải chứng viêm nội tâm mạc và phải phẫu thuật như trên.