Nem chua là một món ăn truyền thống được nhiều người ưa thích, nguyên liệu chủ yếu là thịt sống lên men. Chế biến nem chua là quá trình lên men lactic từ thịt sống và không trải qua bất kỳ công đoạn xử lý nhiệt nào. Các vi sinh vật giúp nem chín phát triển trong nguyên liệu, trong lá gói.
Theo thông tin từ Dân Trí, BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân cần đặc biệt tránh xa loại >nem chua chưa đủ độ chua, để tránh nguy cơ đưa> sán vào người.
"Khi nem đủ ngày, đủ độ chua, axit trong nem có thể tiêu diệt trứng, ấu trùng sán. Tuy nhiên, thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nem chưa lên men đủ ngày đã được chào bán.
Trứng, ấu trùng sán trong các sản phẩm này (nếu có) sẽ chưa bị tiêu diệt và khiến người ăn bị nhiễm> ký sinh trùng vào người", BS Thiệu phân tích.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, theo BS Thiệu, thịt lợn sống (nguyên liệu chính để làm nem), có thể chứa nhiều loại giun sán, điển hình là sán dây bò, sán dây lợn.
"Khi ăn phải ấu trùng sán dây lợn trong nem hoặc thịt lợn tái, sán có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh", BS Thiệu phân tích.
Đặc biệt khi ấu trùng sán lợn cư trú trong não (gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như: Nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).
Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu...
Trong khi đó, sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò và đặc biệt là trong cơ quan nội tạng. Ngoài ra, nó có thể ký sinh lạc chỗ trong một số loài động vật khác như lợn.
Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm sán.
Khi sán dây bò vào cơ thể thường ký sinh ở hệ tiêu hóa. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non.
Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa...
Một số trường hợp có các triệu chứng như: đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.
Ngoài ra, ăn nem chua chưa đủ độ chua hoặc các sản phẩm thịt lợn chưa được nấu chín có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.
Dẫn tin từ Người Đưa Tin, khi ăn nem chua cần nắm những lưu ý sau:
Lưu ý khi ăn nem chua
Liều lượng: 2 - 3 cái/ngày, không nên ăn liên tục hằng ngày.
Độ chín của nem: Nên ăn khi nem chín, trong 3 - 7 ngày sau khi làm. Nem chưa chín chưa lên men hết có thể gây đau bụng. Trong khi nem để quá lâu sẽ không còn thơm ngon và có thể chứa vi khuẩn gây hại.
Thời gian ăn: Nên ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối. Tránh ăn vào bữa sáng hoặc khi đói vì tính chua của nem có thể gây đau dạ dày, đầy hơi.
Màu nem tự nhiên, hơi hồng đỏ là ngon nhất. Nem màu quá đậm có thể đã bị cho thêm phẩm màu. Nếu nem màu quá nhạt có thể đã để quá lâu.
Nem giòn, dai.
Nem không bị mốc lốm đốm trắng. Đây là biểu hiện của nem quá chín, để lâu ngày.
Nên chọn nem có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nem có thành phần thịt sống để lên men tự nhiên nên nếu sử dụng nguyên liệu không sạch, vi khuẩn gây hại như ecoli, salmonella, shigella, coliform,... có thể xuất hiện gây tiêu chảy, ngộ độc.
Những người không nên ăn nem chua
Người mắc bệnh gout: vì chính những chất chua làm cho axit uric tăng cường lắng đọng vào khớp cấp tính.
Phụ nữ có thai: không nên ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín bởi các loại thực phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn gây hại cho thai nhi. Trong trường hợp xấu có thể gây sẩy thai, thai chết lưu và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Người bị viêm đại tràng co thắt dễ nhạy cảm với thực phẩm chưa nấu chín
Những người bị sán lá gan: Với đặc thù là thịt sống và chín sinh học chứ không phải chín bằng nhiệt, nên sự tiêu diệt các vi sinh vật ở nem chua rất khó khăn, dễ nhiễm sán lợn. Khi sán lá gan đang phát triển trong cơ thể mà tiếp tục ăn thì tăng nguy cơ lây nhiễm sán lá gan.