Tỷ lệ mắc chứng rối loạn tiền đình ngày càng gia tăng và trẻ hóa, ai cũng có thể mắc bệnh. Do đó cần nắm những dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn tiền đình để phát hiện và điều trị kịp thời.

Thanh Thủy 16:55 28/09/2023

Rối loạn tiền đình là gì? Triệu chứng của rối loạn tiền đình

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, rối loạn tiền đình là hội chứng của rất nhiều nguyên nhân và bản chất của nó là hậu quả của sự rối loạn tích hợp thăng bằng tại bộ máy> tiền đình và tại thần kinh trung ương.

Cấu tạo của hệ thống tiền đình

 

 

Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn...

Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình được chia làm hai loại: Hội chứng tiền đình ngoại biên và hội chứng tiền đình trung ương.

Rối loạn tiền đình ngoại biên liên quan đến bộ phận tiền đình ở vùng tai trong như sỏi tai trôi tự do trong ống bán khuyên hoặc dính vào đài tai thì có thể gây chóng mặt khi thay đổi tư thế. Một số nguyên nhân khác như: do dùng thuốc, mệt mỏi, trầm cảm, mất ngủ gây >rối loạn tiền đình ngoại biên.

Rối loạn tiền đình trung ương thì phức tạp, liên quan đến tổn thương ở não, tai biến mạch máu não, tổn thương hệ động mạch sống nền sau cổ với những bệnh nhân có tuổi. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khác liên quan đến những tổn thương ở vùng tiểu não đều có thể gây lên rối loạn tiền đình trung ương. 

Điều trị rối loạn tiền đình

Điều trị phục hồi cho bệnh nhân rối loạn tiền đình. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Theo Bác sĩ CKII.Tô Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, khi bị rối loạn tiền đình hầu hết các bệnh nhân đều có những cơn chóng mặt đột ngột, dữ dội, ngắn hoặc dài từ vài giây đến dưới một phút tùy theo từng bệnh nhân. Đặc biệt liên quan đến thay đổi vị trí của đầu thường theo một hướng. Lúc đó bệnh nhân phải nằm yên. Bệnh nhân không đau đầu cũng có thể có ù tai, có thể giảm thính lực. Đó là rối loạn tiền đình ngoại biên – những cơn chóng mặt thông thường.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có những biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, yếu tay chân – liên quan đến tổn thương thực thể trong não thì chúng ta phải phân biệt giữa rối loạn tiền đình ở ngoại biên hay trung ương để có thái độ xử trí kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình chủ yếu phải dựa vào lâm sàng –tính chất cơn chóng mặt, ngoài ra phải khám về những triệu chứng của thần kinh. Nếu có triệu chứng của thần kinh khu trú thì phải làm các xét nghiệm liên quan như chụp cắt lớp sọ não, cộng hưởng từ sọ não, chụp cột sống cổ, nếu bệnh nhân có dấu hiệu như liệt hoặc có liệt dây thần kinh sọ, rung giật nhãn cầu thì phải kiểm tra những triệu chứng khu trú của hệ thần kinh.

Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể điều trị, khắc phục được tuy nhiên hay tái phát. Rối loạn tiền đình trung ương thì phải tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.

Bác sĩ CKII.Tô Thị Thúy Hằng cho biết: "Rối loạn tiền đình chóng mặt thông thường phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt như ăn, ngủ, nghỉ điều độ. Khi có triệu chứng chóng mặt rồi phải đi khám bác sĩ và không được đột ngột thay đổi tư thế.

Nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh về sơ vữa mạch, chúng ta phải điều trị tốt tất cả các nguyên nhân có thể dẫn đến chóng mặt, nguy hiểm đến tính mạng. 

Chóng mặt lành tính phải thường xuyên tập bài phục hồi chức năng tiền đình. Ngoài ra dùng thuốc để tăng hoạt động của bên bị bệnh để cho hai bên tiền đình cân bằng nhau. Trong giai đoạn cấp có thể sử dụng thuốc chống chóng mặt như: nhóm thuốc giảm triệu chứng chóng mặt Cinnarizine, Flunarizine… dùng trong các đợt cấp theo chỉ định của bác sĩ." 

Nguồn: Bệnh viện Bãi Cháy

Theo Gia Đình Mới