Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, làm "chuyện ấy" trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi có kinh được xem là an toàn.

05:10 09/11/2019

Thông thường, độ dài của chu kỳ kinh nguyệt có thể dao động từ 22 đến 35 ngày. Tùy thuộc từng người, giai đoạn hành kinh kéo dài 2-6 ngày. 

Ví dụ, bạn có chu kỳ kinh đều đặn 28 ngày, khả năng thụ thai tại các thời điểm như sau:

- Thời gian an toàn tương đối: Từ ngày 1 đến ngày 7 (khi hành kinh và sau sạch kinh).

- Thời gian không an toàn: Từ ngày 8 đến ngày 18 (thời gian rụng trứng).

- Thời gian an toàn tuyệt đối: Từ ngày 18 đến ngày 28 (thời kỳ chuẩn bị có kinh nguyệt).

Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết theo nguyên tắc, khoảng thời gian 10 ngày trước khi có kinh được xem là an toàn. Lúc này, nội tiết tố trong cơ thể nữ giảm xuống mức thấp nhất, niêm mạc tử cung đang teo lại và chuẩn bị bong tróc vào kỳ ">đèn đỏ".

Làm "chuyện ấy" trước thời kỳ chuẩn bị hành kinh có khả năng mang thai rất thấp. Ảnh: Wattpad.

"Nếu >quan hệ tình dục trước 'ngày dâu' và đã có kinh nguyệt, bạn có thể không cần lo lắng việc mang thai. Khi có biểu hiện chậm kinh, chị em có thể thử thai bằng que, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,... sau quan hệ từ 7-10 ngày. Xét nghiệm máu được coi là phương pháp giúp phát hiện thai sớm và cho kết quả chính xác nhất, gần như 100%. Nếu bạn chỉ chậm kinh, chúng ta chưa thể kết luận có thai hay không", bác sĩ Quang nói. 

Theo bác sĩ Vũ Quang, ngoài việc mang thai gây ra hiện tượng chậm kinh, còn rất nhiều nguyên nhân khác như: 

- Stress: Tâm lý lo lắng, tâm trạng không ổn định, căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều sẽ ức chế sự rụng trứng và kỳ kinh đến muộn hơn bình thường, thậm chí vô kinh. Điều này có hại cho >sức khỏe và cơ chế sinh lý của phụ nữ.

- Tập luyện thể thao quá sức: Bạn tập luyện thể thao gắng sức quá mức, ăn uống kiêng khem hay không điều độ (khi quá nhiều, lúc lại bị đói lâu, thiếu đạm, vitamin) cũng khiến kinh nguyệt không ổn định.

- Những người sử dụng nhiều rượu, bia, hút thuốc, lịch làm việc và sinh hoạt thay đổi cũng có thể làm kinh nguyệt bị trì hoãn. 

- Rối loạn tuyến giáp: Bạn đang bị mất cân bằng tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, dễ gặp nhất là chậm kinh.

- Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có tác dụng phụ, đặc biệt kháng sinh dài ngày (thuốc nội tiết tố, chống đông máu, an thần,...) hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai hàng ngày cũng là những yếu tố khiến chị em bị chậm ngày "đèn đỏ". 

- Một số bệnh lý phụ khoa: Viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ cổ tử cung, buồng trứng đa nang, các bệnh về bệnh suy buồng trứng, viêm buồng trứng khiến nữ giới thường bị chậm kinh nguyệt. 

Theo Tuệ Anh/Zing