Bệnh tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Bệnh được phát hiện nhờ nhiều triệu chứng trong đó có dấu hiệu kỳ lạ trên môi ít người biết.

Anh Thư (t/h) 17:05 25/09/2022

Biểu hiện đôi môi của người mắc >bệnh tim bẩm sinh

Theo Mayo Clinic, môi có thể đổi sang nhiều màu sắc khác nhau và do nhiều nguyên nhân gây ra, tùy vào màu sắc chuyển đổi. Máu thiếu oxy khiến môi đổi màu xanh có thể do một số tình trạng bệnh lý tác động đến phổi, tim và tuần hoàn trong cơ thể.

Nhưng đôi môi chuyển màu xanh cũng được các chuyên gia nhận định là dấu hiệu của bệnh tim thể chứng xanh tím, hoặc bệnh tim bẩm sinh tím tái (CCHD) khiến tim của họ bị khuyết tật hoặc khiếm khuyết làm giảm lượng oxy cung cấp cho các bộ phận khác trên cơ thể.

Đôi môi màu xanh có thể là dấu hiệu của bệnh tim (Ảnh minh họa)

Khi vấn đề này xảy ra, nhiều bệnh nhân sẽ xuất hiện một màu hơi xanh trên đôi môi của họ. Đây chính là kết quả của việc giảm oxy trong các tế bào hồng cầu. Một số người có thể nhận thấy sự thay đổi này về màu sắc trên da hoặc móng tay của họ.

Tuy nhiên, nhiều người không nhận thức được một số dấu hiệu tinh vi của bệnh tim giống như dấu hiệu kỳ lạ trên môi này. Đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh vì nó có rất nhiều dạng bệnh khác nhau.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 40.000 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Mỹ mắc bệnh tim bẩm sinh, một tình trạng được xác định là có một hoặc nhiều dị tật cấu trúc của tim khi sinh ra.

Theo Mayo Clinic, mặc dù phần lớn thời gian, bệnh tim bẩm sinh được phát hiện trước hoặc ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, đối với một số người, các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện ra mãi cho đến khi trưởng thành.

Thậm chí, các chuyên gia còn khẳng định, nhiều người dù đã được điều trị bệnh tim bẩm sinh khi còn nhỏ vẫn xuất hiện lại các triệu chứng vào nhiều năm sau đó.

 

Một số dấu hiệu khác của bệnh tim bẩm sinh

Một số dấu hiệu khác của bệnh tim bẩm sinh có thể giúp bạn xác định được căn bệnh nguy hiểm này như nhịp tim không đều, đau ngực, khó thở, sưng tấy (phù nề) ở các mô hoặc cơ quan trong cơ thể cũng như dễ dàng gặp phải tình trạng kiệt sức khi hoạt động.

Vậy nên, ngay cả khi đã biết tiền sử bệnh tim bẩm sinh và dù đã được điều trị trong quá khứ thì bạn vẫn phải kiểm tra tim thường xuyên nếu thấy bản thân có bất kỳ triệu chứng nào trong số triệu chứng kể trên.

Người có> dấu hiệu bệnh tim nên đi thăm khám thường xuyên (Ảnh minh họa)

Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tim bẩm sinh

Người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh có thể xuất hiện một loạt các biến chứng nghiêm trọng ngay cả sau khi đã điều trị như rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, đột quỵ, suy tim hoặc tăng áp động mạch phổi.

Bên cạnh đó, những người bị bệnh tim bẩm sinh còn cần được chăm sóc y tế suốt đời. Việc điều trị có thể bao gồm việc kiểm tra >sức khỏe thường xuyên, dùng thuốc điều trị hoặc phẫu thuật.

Vậy nên, nếu bạn đã trưởng thành mới phát hiện ra mình mắc bệnh tim bẩm sinh, hãy hỏi ngay các bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe về tần suất bản thân cần kiểm tra sức khỏe tim mạch để tránh các rủi ro không đáng có.

Theo Trà My/ Gia Đình Online