Theo chuyên gia hiện nay bữa ăn ngày Tết của người Việt vẫn chỉ tập trung vào các món truyền thống và các thực phẩm chế biến sẵn.
Chú trọng trong ăn uống để tránh bệnh tật
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện >dinh dưỡng Quốc Gia cho hay, trong bối cảnh bệnh mãn tính không lây đang gia tăng tại Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO) có 76% nguyên nhân tử vong của người Việt Nam là do bệnh mãn tính không lây: tim mạch, tiểu đường, ung thư...
Thừa cân béo phì là nguyên nhân đứng hàng đầu của bệnh mãn tính không lây. Ngày Tết truyền thống của người Việt là khoảng thời gian để cho các gia đình gặp gỡ, đoàn viên. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý tới chế độ ăn để tránh dư thừa năng lượng.
Trong những ngày Tết thì hầu hết các món ăn đều giàu đạm và năng lượng. Ví dụ, như bánh chưng có gạo nếp, ba chỉ, đậu xanh… đều là nguyên liệu cung cấp năng lượng nhiều. Một chiếc bánh chưng có có từ 1.500 -1.600 calo. Nếu một người ăn ¼ bánh có khoảng 400 calo.
PGS.TS Lâm cho biết, một bữa ăn chính theo tiêu chuẩn chỉ cần 600-700 calo là vừa đủ. Đa phần các món ăn trong ngày Tết đều rất dinh dưỡng: giàu chất đạm, chất béo, năng lượng nhưng lại thiếu hụt vitamin, khoáng chất, chất xơ. Nếu như ăn uống không có tiết chế thì sau dịp Tết đa phần mọi người sẽ phải đối mặt với câu chuyện tăng cân.
PGS.TS Lâm cho rằng: "Điều kiện kinh tế tốt lên nên thức ăn dư thừa, bữa ăn ngày Tết cũng có sự thay đổi. Nếu như trước khi là ăn để cho no thì nay con người quan tâm tới việc ăn để thưởng thức, ăn ngon hơn.
Người dân Việt Nam trong những ngày Tết vẫn tập trung vào những món ăn truyền thống. Khẩu phần ăn của người Việt nhiều hơn nhưng vẫn có nguy cơ thiếu chất.
Ví dụ như thiếu vitamin C do ăn ít rau xanh, thiết chất xơ và một số vi chất như kẽm, canxi, vitamin D.
Do quá tập trung vào ăn đạm động chúng ta lại để thiếu đạm thực vật. Theo khuyến cáo người trường thành nên ăn 50% đạm động vật và 50% còn lại là đạm thực vật".
Chuyên gia khuyến cáo, nếu quá chú trọng ăn nhiều vào dịp Tết hệ lụy nhìn thấy rõ nhất là tăng cân hoặc thừa cân. Thừa cân sẽ có liên quan tới các bệnh lý không lây như: huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2.
"Chế độ ăn quá nhiều đạm từ thịt có thể làm tăng nguy cơ liên quan tới bệnh gút. Khi ăn nhiều chất đạm gan cũng phải gánh chịu để đào thải và chuyển hóa gây ra suy giảm chức năng gan. Nếu chế độ ăn giàu chất đạm kết uống rượu bia sẽ là tăng nguy cơ phá hủy gan sớm", PGS. Lâm nói.
Ngoài ra, vào dịp Tết mọi người thường quên >luyện tập thể thao. Năng lượng không tiêu hao sẽ dẫn tới dư thừa cân nặng.
PGS.TS Lâm cho hay, dù là ngày Tết nhưng vẫn nên duy trì chế độ ăn cân đối có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Lưu ý tới vấn đề đồ uống
Cần lưu ý năng lượng nạp vào cơ thể không chỉ qua đường ăn mà còn qua cả đường uống. Ví dụ, trong rượu bia cũng có chứa rất nhiều năng lượng.
Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam vào những ngày lễ, Tết thường hay uống rượu, bia để vui vẻ tăng cường tình cảm. Tuy nhiên, việc uống rượu bia quá nhiều so với mức kiến nghị sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Trong chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế và WHO cũng đã ra kiến nghị nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ lần và chỉ nên uống 5 lần/tuần. Một đơn vị rượu được tính bằng 10g cồn nguyên chất.
PGS.TS Lâm cảnh báo: "Uống rượu bia cũng có thể gây tăng cân, trong một lon bia có tới hơn 100 calo. Tập thể dục 30 phút mới tiêu hao hết 100 calo, vậy đi bộ 30 phút chưa thể tiêu thụ hết một lon bia.
Ngoài ra, cần hạn chế uống nước ngọt vì lượng đường trong các loại nước này rất cao sẽ gây ra thừa cân béo phì".