Người đàn ông bị ợ chua suốt mấy tháng, cứ ngỡ đau dạ dày bình thường nên chủ quan không đi khám, đến khi đau thắt bụng mới đến BV, bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày.
Khi đến BV K thăm khám, cụ Hồ Năng T., 88 tuổi ở Hà Tĩnh đã được chẩn đoán mắc ung thư dạ dàygiai đoạn 2.
Khai thác bệnh sử, cụ T. cho biết, cách đây 40 năm ông cũng đã phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày do mắc ung thư, sau đó tình trạng ổn định, đã khỏi rất nhiều năm. Gần đây mới xuất hiện ợ chua và trào ngược dạ dày, nhưng nghĩ đau dạ dày thông thường nên không đi khám.
TS Phạm Văn Bình, trưởng khoa Ngoại bụng 1, BV K cho biết, trường hợp bệnh nhân T. bị ung thư tại miệng nối dạ dày. Dù tuổi bệnh nhân đã cao nhưng do ung thư mới ở giai đoạn tiến triển, chưa di căn bên bác sĩ vẫn chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên bệnh nhân tuổi cao là thách thức trong quá trình phẫu thuật liên quan đến gây mê hồi sức, tránh sốc mất máu... Sau 4 giờ đấu trí, kíp phẫu thuật đã thực hiện cắt bỏ toàn bộ dạ dày, loại bỏ tổn thương kích thước 2x3cm, sau đó tạo hình dạ dày mới cho. Ca mổ thành công, sau mổ 7 ngày, bệnh nhân hồi phục tốt và được ra viện.
Ngoài trường hợp cụ T., khoa Ngoại bụng 1 cũng vừa phẫu thuật cắt u đại trực tràng, nạo vét hạch cho bệnh nhân Vũ Thị K., 86 tuổi, ở Kim Môn, tỉnh Hải Dương.
Cụ cho biết, thường xuyên bị táo bón vài tháng gần đây, cụ ăn không nhiều nhưng luôn có cảm giác luôn đầy tức bụng, khó chịu. Khi đi khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng.
Hiện nay, ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày đang có xu hướng tăng lên.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do trên 80% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Nếu xét trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu khảo sát, ung thư dạ dày của Việt Nam đang xếp vị trí 14, với tỉ lệ 10,2/100.000 dân.
Với ung thư đại trực tràng, số liệu của WHO năm 2018 cho thấy đây là loại ung thư đang đứng thứ 5 tại Việt Nam, với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong.
Với các loại ung thư đường tiêu hoá nói chung và ung thư dạ dày, đại trực tràng nói riêng, việc khám sàng lọc để phát hiện sớm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Trong đó riêng việc theo dõi và cắt polyp thường xuyên có thể giúp giảm tới 80% ung thư đại trực tràng. Theo thống kê, các loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư.
Với ung thư dạ dày, TS Bình cho biết, các dấu hiệu rất dễ nhầm với bệnh dạ dày thông thường. Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày nên không được phát hiện bệnh sớm.
Do đó để phát hiện sớm bệnh, cách tốt nhất là nội soi ống mềm. TS Bình khuyến cáo những người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao như gia đình có tiền sử, nhiễm vi khuẩn HP thì từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, >luyện tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất.