Đun sôi nước để uống là cách diệt trùng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Uống nước đun sôi để nguội không hề có hại nhưng nước đun sôi để nguội nếu để quá lâu thì lại có vấn đề và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Quỳnh Anh (T/h) 13:09 29/05/2024

Có nên uống nước đun sôi để nguội qua đêm?

Khi đun sôi nước ở nhiệt độ cao, các vi sinh vật, ký sinh trùng tồn tại trong nước bị tiêu diệt. Quá trình đun sôi không gây ra chất có hại cho cơ thể, cũng như không tạo các chất gây ung thư.

Chính vì vậy, nhiều gia đình có thói quen đun nước sôi, sau đó để nguội rồi tích trữ dùng vài ngày hoặc cả tuần.

Tuy nhiên, nếu lưu trữ nước đun sôi quá lâu, nước có nguy cơ tái nhiễm bẩn trở lại. Trong quá trình đun sôi, các vi sinh vật bị tiêu diệt, phần xác sẽ tồn tại trong nước, phân rã thành chất hữu cơ. Các chất hữu cơ này là nguồn thức ăn cho những vi sinh vật ở ngoài xâm nhập vào. Do vậy, nguy cơ tái nhiễm vi sinh vật là rất lớn, khiến nước nhanh bị thiu và lượng vi sinh vật nhân lên gấp bội, gây hại> >sức khỏe.

Ảnh minh họa

Với những nước lấy từ sông, hồ, ao, suối hay nước giếng khoan, giếng đào bình thường do có lượng chất hữu cơ trong thành phần, nên khi đun sôi, các chất này bị phân hủy và dễ bị thiu hơn nước bình thường. Nước này cũng không bảo quản được lâu, có khi chỉ được vài giờ tới nửa ngày.

Với nước đã qua xử lý, thanh lọc như hiện nay, chúng khá sạch sẽ nên đun sôi sẽ để được lâu hơn và thời gian bảo quản cũng được lâu hơn, thậm chí có thể lên tới 24 giờ.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen rót thêm nước mới vào bình dù nước trong bình chưa hết. Nếu cứ đổ nước cũ vào nước mới với nhau sau khi đun, vô tình sẽ càng nhân số lượng vi khuẩn của nước tăng lên nhanh chóng, dễ sinh ra nấm mốc. Lúc này, nước đã bị thiu, thậm chí các chất hữu cơ cũng bị phân giải, chất vô cơ bị lắng xuống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Con người nếu uống phải loại nước trên sẽ có hại tới sức khỏe, nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn.

Tốt nhất, chỉ dùng nước đun sôi để nguội trong ngày, không nên để qua đêm quá 8 - 10 tiếng dẫn tới vi khuẩn trong nước sinh sôi gây các bệnh về đường ruột, tiêu hóa, tàn phá các hệ cơ quan cơ thể.

 

Tránh việc đổ nước mới vào bình nước cũ. Ngoài ra, dụng cụ đựng bình nên là bình thủy tinh có nắp đậy kín, quá trình sử dụng cần vệ sinh thường xuyên tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, làm nhiễm khuẩn nguồn nước nguy hại sức khỏe.

Đun nước thế nào để có lợi cho sức khỏe?

Nhiều người cũng đặt ra lo ngại khi đun nước uống nhiều lần có gây ung thư hay không. Thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đun nước uống nhiều lần thực sự sẽ làm tăng chất gây ung thư nhưng dữ liệu cũng chỉ ra rằng ngay cả khi đun nhiều lần tới 20 lần thì các chất gây ung thư cũng không đáng kể, vì vậy việc đun nước uống nhiều lần sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi đun nhiều lần hãy mở nắp để các chất có hại bay hơi theo hơi nước. Nước máy được khử trùng bằng clo. Sau đó, hai chất gây ung thư (hydrocacbon halogen và chloroform) sẽ được tách ra khỏi nước uống. Khi nhiệt độ nước đạt đến 100°C, những chất gây ung thư này sẽ giảm đi rất nhiều khi nước bốc hơi.

Vì vậy, không nên tắt lửa ngay sau khi nước sôi mà nên mở vung đun thêm 1 đến 2 phút, hoặc mở vung khi nước sôi nhanh và đợi 1 đến 2 phút. Sau khi nước sôi mới tắt lửa, để clorua và các chất độc hại còn sót lại trong nước bay hơi qua hơi nước.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh bình đun nước để tránh rỉ sét, vi khuẩn sinh sôi làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bình đun nước nên được thay mới một hoặc hai năm một lần.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, nước đun sôi để nguội để trên 48 tiếng thì mật độ vi sinh vật sẽ tăng lên và có khả năng gây ra nhiễm khuẩn. Điều này có nghĩa là có thể sau 48 giờ, gần như nước uống đó không an toàn để sử dụng nữa. Đó là lý do vì sao nước đun sôi khi để 3 - 4 ngày thì lại có mùi thiu, mùi đó là của vi sinh vật phát triển và phân hủy một số chất.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam