Đau vùng ngực, đau đầu đột ngột hay đau âm ỉ ở giữa lưng... là những vị trí đau bất thường mà cơ thể cảnh báo bệnh nguy hiểm mà nhiều người lại thường chủ quan bỏ qua, đến khi bệnh tình trở năng thì đã quá muộn...
1. Đau vùng ngực
Những dấu hiệu sớm của bệnh đau tim thường là cảm giác bồn chồn tức ngực, hay thở gấp gáp, cảm giác dạ dày khó chịu, ợ nóng không rõ nguyên nhân… Nếu những cơn đau thắt vùng ngực diễn ra dồn dập và có xu hướng lan đến vùng vai và cổ, có thế đó là dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim nghiêm trọng. Ngay khi có các triệu chứng trên cùng với cảm giác đau vùng ngực, bạn hãy liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để các bác sĩ còn xử lý kịp thời.
2. Đau đầu đột ngột
Nếu cơn đau đầu xảy ra đột ngột và tồi tệ đến mức không thể chịu đựng được, bạn có thể bị phình động mạch não. Nếu không được điều trị kịp thời, mạch máu có thể vỡ ra dẫn đến đột quỵ, gây tử vong hoặc chảy máu não.
3. Đau ở phía dưới bên phải của ruột
Khi cảm thấy đau âm ỉ ở hố chậu phải kèm theo cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, người mệt mỏi và sốt 37,5 - 38 độ C, sờ nắn nhẹ nhàng thấy hố chậu phải có phản ứng đau nhói; đau ở hố chậu phải khi ấn tay ở hố chậu trái có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị viêm ruột thừa cấp tính. Viêm ruột thừa cấp thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh có một số triệu chứng tương tự như thủng ổ loét dạ dày - tá tràng, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, viêm đường tiết niệu, viêm thùy dưới phổi phải. Một số trường hợp sốt do virus cũng có thể gây đau vùng hố chậu phải, đặc biệt là trẻ em. Lúc này, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
4. Đau ở xương chậu hoặc bụng
Hiện tượng "chuột rút kinh nguyệt" là bình thường đối với nhiều phụ nữ. Nhưng nếu cơn đau này liên tục và trở nên tồi tệ hơn hoặc không biến mất, bạn có thể bị lạc nội mạc tử cung.
5. Đau âm ỉ ở giữa lưng
Nếu cơn đau này trở nên tồi tệ kèm theo sốt và buồn nôn, bạn có thể bị nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho thận, nhiễm độc máu hoặc tắt thận hoàn toàn. Khi cơn đau chuyển xuống phần lưng dưới và ảnh hưởng đến chân là dấu hiệu của đau thần kinh tọa, do chấn thương hoặc áp lực lên dây thần kinh tọa. Nếu bạn đau chân, mất cảm giác bàng quang hoặc đi vệ sinh không tự chủ, có thể mắc hội chứng Equina cauda, một rối loạn hiếm gặp có thể gây tê liệt vĩnh viễn.
6. Đau ở bàn tay, cổ tay và cẳng tay
Nếu cảm giác đau hoặc tê xuất hiện ở bàn tay, đặc biệt là ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, lòng bàn tay, cổ tay và lan đến cẳng tay thì rất có thể bạn đang mắc hội chứng ống cổ tay. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được điều trị, cơ bàn tay sẽ bị co rút, thậm chí mất khả năng vận động.
7. Có cảm giác như bị kim đâm ở chân
Nếu bàn chân có dấu hiệu nhạy cảm hay thường xuyên tê rát, có thể bạn đang chịu những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường. Dạng thông thường nhất của bệnh thần kinh do tiểu đường là mất cảm giác ở chân và tay (thần kinh ngoại biên), đôi khi nó còn ảnh hưởng đến các chức năng kiểm soát của cơ thể như: nhịp tim, tiêu hóa… Trường hợp này các chuyên gia gọi là ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến thần kinh tự chủ. Nếu có cảm giác bàn chân như thế, hãy thực hiện các xét nghiệm đường huyết cần thiết để phát hiện bệnh tiểu đường sớm bạn nhé!
8. Đau nhức hoặc chuột rút ở chân
Ai cũng biết chuột rút là hiện tượng co rút cơ khi mệt mỏi hoặc vận động sai tư thế, nhưng nếu cơn đau do chuột rút còn đi kèm vết sưng tấy đỏ, máu đông có thể đang tồn tại và gây nguy hiểm. Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng máu đông hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Khi cục máu đông di chuyển nó có thể gây nghẽn mạch phổi - biến chứng đe dọa mạng sống do huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau chân, nhưng thường xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi phát hiện các triệu chứng chuột rút kèm vết tấy đỏ, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán các dấu hiệu của bệnh sớm nhất.
9. Đau răng khi uống đồ lạnh hoặc nóng
Men răng (lớp bên ngoài của răng) bị hư hỏng hoặc sâu răng, có thể làm lộ dây thần kinh bên trong. Bạn bị đau khi khu vực này tiếp xúc với bất kỳ chất lạnh hoặc nóng. Ngoài ra, dây thần kinh bị phơi nhiễm cũng khiến bạn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Hãy đến nha sĩ để kiểm tra nếu bạn thường xuyên xuất hiện triệu chứng này.
Cơ thể chúng ta là một bộ máy rất hoàn hảo nên thường có các triệu chứng cảnh báo bệnh tật từ khá sớm, thế nên những vị trí đau như trên có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, vì thế đừng bao giờ xem nhẹ. Đặc biệt khi những cơn đau đột ngột này kèm các triệu chứng như sốt, rối loạn tiêu hóa, thâm tím da... chính là tín hiệu cảnh báo >sức khỏe chúng ta đang cực kỳ nguy hiểm, và khi ấy thì cần đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt bạn nhé!