Lười vận động sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường.
Muốn duy trì một >sức khỏe tốt, cần có thói quen tập thể dục thường xuyên. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiều bệnh và làm cho quá trình lão hóa xảy ra chậm, không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Tuy nhiên, có những người không tập thể dục thường xuyên hoặc không đủ do cuộc sống bận rộn. Vậy đối với những người luôn ở trạng thái “tối mày tối mặt" như vậy thì nên tập thể dục bao nhiêu là đủ? Hãy cùng nhau điểm qua một số triệu chứng của tình trạng thiếu vận động.
Chứng hay quên:
Nếu không tập thể dục đầy đủ, trí nhớ sẽ kém đi và chứng hay quên cũng trở nên tồi tệ hơn. Chứng hay quên là một triệu chứng chủ yếu xảy ra sau tuổi trung niên và khi chức năng thùy trán của não bộ bị suy giảm. Tập thể dục thường xuyên giúp giải phóng các chất hóa học giúp kích thích các mạch máu trong não được lưu thông ổn định. Vì vậy, càng tập thể dục nhiều, lượng máu truyền lên não càng nhiều, giúp khả năng suy nghĩ và ghi nhớ tốt hơn. Vận động thể dục các môn sử dụng tay chân nhiều như đánh cầu lông, đạp xe hoặc đi bộ sẽ khiến não được kích thích và toàn bộ chức năng của não được cải thiện.
Chứng táo bón:
Một trong những nguyên nhân gây táo bón là do lười vận động. Điều này là do, khi khối lượng vận động ít, chức năng nhu động của đường ruột giúp co bóp và tiêu hoá để thải phân bị giảm xuống. Đi bộ từ 15-30 phút mỗi ngày hoặc nâng cao đầu và chân khi nằm có thể giúp ngăn ngừa chứng táo bón. Tư thế ngồi cũng có thể kích thích ruột và ngăn ngừa táo bón. Tắm và ngâm mình trong bồn nước ấm giúp lưu thông máu ở vùng bụng dưới cũng là những phương pháp tốt giúp cải thiện tình trạng chứng táo bón.
Đau lưng và đầu gối:
Đau thắt lưng hoặc đau đầu gối có thể trầm trọng hơn nếu lười vận động. Đau lưng thường gặp ở những người trung niên hoặc cao tuổi do quá trình lão hóa. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20-30 phàn nàn về tình trạng đau lưng, mỏi gối với những lý do như lười vận động, ngồi làm việc lâu mà không đứng dậy đi lại, vận động không đúng tư thế...
Điều này là do sức lực ở phần các cơ bị suy yếu do ít vận động và lớp bôi trơn giảm ma sát giữa các xương không hoạt động bình thường. Đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng 30 phút hoặc tập các bài tập kéo giãn đơn giản ở các khớp vai và đầu gối có thể giảm các cơn đau bằng cách tăng nhiệt độ của vùng khớp bị đau, đồng thời giúp khớp khỏe mạnh bằng cách thư giãn các cơ và tăng cường các cơ xung quanh khớp.
Kích thích ăn ngọt:
Sự thay đổi nội tiết tố do lười vận động cũng có thể khiến bạn thèm ăn ngọt. Nếu hoạt động thể chất thường xuyên hoặc di chuyển tích cực trong ngày sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn và giải phóng chất endorphin làm giảm cảm giác thèm ăn ngọt đáng kể. Tuy nhiên, khi lượng hoạt động thể chất giảm đi, lượng endorphin tiết ra không đủ, bản thân sẽ bị đồ ăn ngọt hấp dẫn, khó kiểm soát được bản thân hơn.
Tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng, gây ra một số bệnh khó lường
Béo phì do lười vận động gây ra nhiều bệnh khác nhau. Đặc biệt, tỷ lệ béo phì gia tăng khi mọi hoạt động hầu hết diễn ra tại nhà (hoặc còn được gọi là làm việc từ xa) do COVID-19, mức độ nghiêm trọng của việc thiếu tập thể dục đã tăng lên. Béo phì không chỉ đơn giản là thừa cân mà nó là tình trạng tích tụ mỡ thừa trong cơ thể. Có thể xác định tình trạng béo phì bằng cách đo vòng bụng.
Béo phì được chẩn đoán khi nam trưởng thành có vòng bụng 90cm và nữ có vòng bụng 85cm trở lên dựa trên tiêu chuẩn của người châu Á. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Bệnh béo phì Hàn Quốc, nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng tăng lên khi vòng bụng tăng lên. Tình trạng béo phì cần phải được kiểm soát sớm, ngay từ giai đoạn đầu để ngăn ngừa các biến chứng xấu như nhồi máu cơ tim. Do đó, cần đặc biệt chú ý cải thiện các nguyên nhân gây béo phì ở người lớn như hạn chế thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ và thường xuyên vận động nhiều hơn.