Măng có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nhưng nếu như không biết cách chế biến nó sẽ khiến cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng mà còn có hại cho sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc nặng.

07:15 13/07/2020

Những sai lầm khi ăn và chế biến măng

Măng được sử dụng phổ biến như một loại rau xanh nhưng măng lại chứa nhiều glycocid, là chất có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây ra các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở...

Ăn măng ngâm dấm chưa đủ thời gian có khả năng gây ngộ độc cao (Ảnh minh họa)

Ăn măng ngâm dấm chưa đủ thời gian 

Mỗi kg măng củ có khoảng 230 mg cyanide, liều lượng này có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai em bé trên một tuổi. Do đó, nếu bạn ăn măng ngâm dấm chưa đủ thời gian - măng chưa ngả sang màu vàng ươm và chưa có mùi chua thì khả năng gây ngộ độc vẫn rất cao.

Bên cạnh đó, trước khi sấy hoặc phơi khô măng, bạn cũng nên ngâm măng qua nước muối hoặc luộc kĩ măng. Đến khi sử dụng măng khô để xào nấu, bạn nên chần lại nước nóng hoặc luộc lại là tốt nhất.

Không nấu kỹ măng vì sợ mất chất

Cũng tương tự như việc ngâm dấm măng, khi chế biến măng, để tránh ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên ngâm và luộc măng nhiều lần, thay nước sau mỗi lần luộc, khi nước sôi nhớ mở vung. Khi nghi ngờ măng độc, tuyệt đối không ăn.

Những người đau dạ dày ăn măng sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn (Ảnh minh họa)

Ăn măng khi đang bị đau dạ dày

Các chuyên gia khuyến cáo những bệnh nhân đau dạ dày hoặc đang uống thuốc chữa dạ dày không ăn măng bởi hàm lượng acid cyanhydric trong măng cũng là chất có hại cho dạ dày, khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ăn măng trong thời gian mang thai

Tuy măng là món ăn khá phổ biến và được nhiều người yêu thích, nhưng đối với bà bầu, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều, nhất là trong quý đầu. Bởi trong những tháng đầu thai kỳ, do chưa thích nghi được với thay đổi của cơ thể và bị ốm nghén, hầu hết các mẹ thường không ăn được nhiều. Trong khi đó, măng chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều dẫn đến no lâu, đầy hơi. Hơn nữa, nếu chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi trong bụng.

Để an toàn, bà bầu sau khi mua măng về cần rửa nhiều lần với nước sạch, ngâm muối, sau đó là luộc kỹ khoảng 3 lần mới ăn. Chú ý là trong khi luộc măng, hãy mở vung để độc tố bay đi.

Nói chung, để an toàn cho sự phát triển của cả mẹ và thai nhi, bà bầu không nên ăn măng thường xuyên, chỉ nên ăn khoảng 2 bữa mỗi tháng, mỗi bữa không quá 300 gam.

Khi ngộ độc măng nhẹ, bệnh nhân có các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn,... (Ảnh minh hoạ)

Uống nước măng có thể giúp giải nhiệt cơ thể

Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã từng cấp cứu một trẻ nguy kịch vì ngộ độc sau khi gia đình cho uống nước từ măng tươi giã nát để hạ sốt. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là bị nhiễm độc cyanide.

Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, trong 1 kg măng củ có tới 230mg. Đây là một gốc acid có đặc tính rất độc.

Trường hợp ngộ độc nhẹ, bệnh nhân có các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn,... Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, dễ gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để phòng tránh ngộ độc măng, trước khi ăn, cần luộc kỹ qua nhiều lần thay nước để đảm bảo các độc tố trong măng đã được đào thải ra ngoài.

Theo Thu Chang/Gia đình Việt Nam