Tuy là phản xạ tự nhiên và khá phổ biến nhưng không ít người đã làm sai. Trong khi chỉ mỗi giọt nước bọt túa khi hắt hơi chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, tạo áp lực phóng ra với tốc độ khoảng 160km/h.

05:20 02/01/2018

Hắt hơi (hay hắt xì, nhảy mũi) là cơ chế của cơ thể giúp chúng ta bảo vệ đường hô hấp trước các phần tử lạ xâm nhập vào đường mũi. Khi chúng ta ho hay >hắt hơi sẽ có từ 2.000 - 5.000 tia nước nhỏ li ti chứa đầy mầm bệnh được bắn ra từ miệng bạn. Đặc biệt là mỗi giọt nước bọt như thế chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, tạo áp lực phóng ra với tốc độ khoảng 160km/h. Những tia nước này khi ra khỏi cơ thể sẽ ngưng tụ, tạo thành một đám mây lơ lửng vô hình và chúng sẽ bay trong không khí, phát tán những virus ra xung quanh ở phạm vi 1,5 - 2m.

Hoặc nếu không may chúng ta bị ho hay hắt xì, lỡ không mang theo khăn tay và càng không may là lại đang bị bệnh… thì rủi ro lây lan bệnh càng cao khi bàn tay đang dính đầy vi khuẩn nguy hiểm. Nếu bàn tay này chạm vào chốt cửa, tay cầm điện thoại, công tắc quạt, nút máy fax… các vật dụng thông thường trong công sở, thì nạn nhân kế tiếp sử dụng các vật dụng đó sẽ có khả năng rước con vi khuẩn đó vào người. Đặc biệt nguy cơ cao nếu đối tượng có những thói quen xấu như chặm nước bọt, dụi mắt hay ngoái mũi…

Khi chúng ta ho hay hắt hơi sẽ có từ 2.000 - 5.000 tia nước nhỏ li ti chứa đầy mầm bệnh được bắn ra từ miệng bạn.

Nhưng nếu dùng tay che miệng hoặc dùng khăn che lại khi hắt hơi thì kết quả sẽ ra sao?

Nhiều người nghĩ làm cách này sẽ giúp vi khuẩn không phát tán ra không khí khi mình hắt hơi, nhưng sự thật lại không “sáng sủa” cho lắm. Nếu lấy tay che miệng lại khi hắt hơi, bạn đã vô tình nhân số vi khuẩn này lên gấp bội. Lý do là bởi ngoài số lượng vi khuẩn có trong những giọt nước li ti phóng ra khi bạn hắt hơi thì bàn tay của bạn còn có thể đang chứa khoảng 150 loại vi khuẩn, nấm... khác nhau trên ấy nữa. Nguy hiểm nhất là vi khuẩn Salmonella - vi khuẩn gây độc thức ăn, E.coli - vi khuẩn gây tiêu chảy. Và rồi ngay sau đó, bạn sẽ mang lượng vi khuẩn "khổng lồ" này đi khắp khắp nơi trong phòng làm việc, truyền cho nhiều người xung quanh qua cái bắt tay, hay cầm nắm đồ vật chẳng hạn.

Mỗi giọt nước bọt túa khi khi hắt hơi chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, tạo áp lực phóng ra với tốc độ khoảng 160km/h

Nếu dùng khăn hay khẩu trang che lại khi hắt hơi thì có giúp ích được gì không?

Chúng ta thường nghĩ dùng khăn vải che lại khi hắt hơi là một biện pháp tốt, nhưng kết quả lại không phải như ta nghĩ. Lý do là những ai có thói quen dùng khăn vải thì rất hay dùng lại. Và chỉ cần dùng qua vài lần, chiếc khăn vải ấy sẽ trở thành ổ vi khuẩn khổng lồ. Ngoài ra, khi dùng tay móc khăn ra, nhét vào túi quần là “biện pháp hữu hiệu” để biến bàn tay mình thành ổ lây nhiễm kế tiếp. Thế nên, việc che mũi miệng bằng khăn nói chung chẳng giúp phòng ngừa được gì.

Việc che mũi miệng bằng khăn nói chung chẳng giúp phòng ngừa được gì.

Cách tốt nhất cho bạn trong trường hợp này là, nếu cảm thấy có nguy cơ ho hay hắt hơi thường xuyên, đừng dùng tay che hay khăn vải mà nên đặt hộp khăn giấy kế bên mình. Sau khi ho hay hắt hơi nên thủ tiêu ngay khăn giấy vào thùng rác thay vì tiết kiệm… để dành xài tiếp. Nếu cẩn thận, sau mỗi lần ho hay hắt hơi, có thể dùng gel sát khuẩn để rửa tay ngay. Nếu không có khăn giấy hoặc không kịp lấy khăn giấy, đừng ho hay hắt xì vào bàn tay mà hãy dùng tay áo, tốt nhất là vùng khuỷu tay. Lý do của việc này là bạn có rất ít cơ hội sờ mó vào vùng này, các giọt dịch tiết hay vi khuẩn sẽ nằm ở đó mà ít có cơ hội đồng hành với bàn tay của bạn để đi tìm “chân trời mới”. Cách này vừa giúp bạn tránh việc nhân rộng vi khuẩn phát tán ra không khí vừa giúp ngăn ngừa lây lan mầm bệnh, tránh gây truyền nhiễm cho người khác.

Theo Huynh Ha/Bestie/Thethaovanhoa.vn