Dưa hành, bánh chưng, thịt gà, canh măng là những món ăn thường gặp trong mâm cơm ngày Tết của các gia đình. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đợt nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới sẽ kéo dài trong vòng 9 ngày, vì thế nếu không đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với >sức khỏe. Đặc biệt là những món ăn quen thuộc trên mâm cơm các gia đình ngày Tết.
Trao đổi với chúng tôi, TS Đặng Thị Thanh Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) cho biết, các món ăn được sử dụng nhiều trong ngày Tết bao gồm: bánh chưng, các loại đồ muối (dưa muối, hành muối), canh măng...
Bánh chưng: Đây là loại đồ ăn có nhiều chất bột, béo. Nếu tính về năng lượng, chỉ cần một góc (1/4) miếng bánh chưng đã cho năng lượng tương đương hai bát cơm. Vì thế, lạm dụng ăn bánh chưng, năng lượng nạp vào cơ thể sẽ thừa và dẫn đến tình trạng tăng cân.
Hơn nữa, việc nạp quá nhiều chất lượng bột đường, trong đó lại thiếu chất xơ, vitamin, chất khoáng là không hề tốt cho cơ thể. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu, đang mong giảm cân, thừa cân, béo phì cần chú ý ăn vừa phải bánh chưng.
Các loại đồ muối: Ướp muối là phương pháp bảo quản thực phẩm đã được áp dụng từ lâu. Đặc biệt, trong dịp Tết các loại dưa muối, hành muối thường được sử dụng nhiều.
Theo TS Quyên, khi sử dụng các loại đồ ăn này đều có tính hai mặt. Về mặt lợi, ngày Tết do ăn nhiều thịt nên hàm lượng protein cao, gây hiện tượng khó tiêu, ăn hành vào cảm giác dễ tiêu, ăn được nhiều thức ăn.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng hành có thể gây ra tác hại khôn lường. Bởi trong quá trình muối hành, hàm lượng nitrit cao tác dụng với thành phần đạm protein ở trong thịt, cá và gây ra hàm lượng nitrit trong cơ thể tăng cao.
Đặc biệt, những người mắc bệnh tim mạch, viêm hoặc ung thư dạ dày, bệnh thận sử dụng hành muối lại không tốt, vì trong hành có 1 lượng muối khá cao, khi lượng muối trong cơ thể cao sẽ gây hiện tượng tích nước với người bệnh thận. Đặc biệt, với người bệnh tim mạch cũng sẽ làm không lưu thông máu trong cơ thể và tăng huyết áp.
Canh măng: Canh măng trong ngày Tết là món ăn được nhiều người ưa thích. Đây cũng là món ăn bổ sung nhiều chất xơ. Tuy nhiên khi lạm dụng quá nhiều thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.
Hiện nay, nhiều loại măng khô đã bị phát hiện có chất bảo quản, vì thế ngay từ khâu chọn măng các gia đình cũng phải hết sức chú ý. Ngoài ra, khi nấu canh măng thường các gia đình sẽ nấu một nồi to rồi để ăn dần. Vì vậy, nếu ăn thừa tuyệt đối không đổ vào nồi măng mới, mà nên ăn đến đâu lấy đến đó để tránh bị ôi thiu.
Khi ăn măng cũng không được ăn nhiều vì sẽ gây tắc ruột. Thực tế, đã có trường hợp từng phải nhập viện cấp cứu tắc ruột sau khi ăn măng khô tại Bệnh viện E Trung ương.
Thịt gà: Thịt gà cũng là món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi ăn mọi người cần phải chú ý. Không nên nấu đi nấu lại nhiều lần vì khi nấu lại thịt gà gần như sẽ không còn chất >dinh dưỡng, chưa kể dễ bị nhiễm khuẩn khi bảo quản.
Khi ăn thịt gà tuyệt đối không nên vừa ăn vừa nói chuyện để tránh tình trạng hóc xương. Trong thực tế, không chỉ dịp Tết mà ngay cả những ngày bình thường, rất nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu vì bị xương gà đâm thủng cổ họng do thói quen vừa ăn vừa nói chuyện.