Khi gặp người bị co giật chúng ta nên và không nên làm gì? Bác sĩ Lê Đức Giang, khoa Cấp cứu - Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ những kiến thức hữu ích về co giật và cách xử trí khi gặp người bị co giật.
1. Co giật là gì?
Cơn co giật là tình trạng thay đổi đột ngột hành vi, vận động, cảm giác và ý thức do bất thường hoạt động điện thế của hệ thống neron bên trong vỏ não.
Động kinh là một trong các nguyên nhân hay gặp của co giật – tình trạng bệnh lý khiến người bệnh gặp nhiều cơn co giật lặp lại, tuy nhiên không phải trường hợp nào có cơn co giật cũng là do động kinh, 2 khái niệm này dễ khiến nhiều người hiểu lầm là một.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng co giật: Động kinh, đột quỵ (Chảy máu não, nhồi máu não), Viêm não – Màng não, Chấn thương sọ não, sản giật, rối loạn điện giải, rối loạn đường huyết, lạm dụng rượu, ngộ độc thuốc hoặc các hoá chất khác.
2. Các dấu hiệu co giật
Có rất nhiều loại có giật khác nhau, người bị co giật có thể có các biểu hiện: bất tỉnh, co quắp chân tay, mắt trợn ngược,… có thể dẫn đến khó thở, tím tái thậm chí tổn thương não do thiểu oxy hoặc gây nguy hiểm khi bệnh nhân đang sinh hoạt hàng ngày như đang tham gia giao thông.
Tuy nhiên cũng có các cơn co giật chỉ khu trú tại một cơ quan, cùng với đó các cơn co giật thường kéo dài vài giây cho đến vài phút sau đó tự hồi phục về trang thái bán đầu.
Vì vậy khi gặp người bị co giật, chúng ta cần bình tĩnh và nắm được các bước cơ bản để tránh cho người bệnh bị chấn thương khi đang xuất hiện cơn co giật.
3. Xử trí ban đầu
Khi phát hiện bệnh nhân co giật, bạn cần:
Xem đồng hồ để đánh giá độ dài cơn.
Đảm bảo thoáng khí, nới lỏng quần áo, khăn nếu có nguy cơ ảnh hưởng đường thở.
Đặt bệnh nhân nằm tại vị trí an toàn, mặt phẳng, không bị rơi ngã, đảm bảo tránh xa các vật sắc ngọn.
Đặt 1 vật mềm như gối, vải mềm dưới đầu bệnh nhân tránh nguy cơ chấn thương.
Gọi cấp cứu.
Sau cơn co giật cần kiểm tra tình trạng hô hấp và đáp ứng (Nếu không đáp ứng, ngừng thở hoặc thở ngáp tiến hành cấp cứu ngừng tim ngay).
Quay đầu nạn nhân sang 1 bên đảm bảo thông khí và tranh nguy cơ hít sặc, ở lại cùng nạn nhân đến khi có kíp cấp cứu đến.
4. Những điều không nên làm với các bệnh nhân co giật
Không nhét vật cứng vào miệng tránh nguy cơ bệnh nhân cắn gãy răng hoặc gây tụt lưỡi (Trừ trường hợp sau cơn, khi bệnh nhân cắn lưỡi hoặc các bộ phân khác gây chảy máu, có thể dùng bông gạc hoặc vải mềm để cầm máu).
Không cố gắng giữ hay đè nạn nhân trong cơn co giật tránh gây gãy xương, tổn thương khớp.
Không tự ý cho ăn uống ngay sau cơn vì tăng nguy cơ hít sặc gây suy hô hấp.
Thực hiện: Bác sĩ Lê Đức Giang
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108