Mới đây, trường hợp cô gái 23 tuổi mắc ung thư cổ tử cung đã xô đổ "kỉ lục" suốt 25 năm của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Trong năm 2018 đã chứng kiến không ít những bệnh nhân dù còn rất trẻ những đã mắc những bệnh ung thư phụ khoa nghiêm trọng, có người còn mất mạng.
Mới đây, chị H.T.N (23 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TPHCM) được chuyển đến BV Ung Bướu TP.HCM với chẩn đoán ung thư cổ tử cung (UTCTC) giai đoạn IB.
Trước đó, chị N. có dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường nên đi khám tại bệnh viện Từ Dũ. Qua xét nghiệm, phát hiện chị N. bị UTCTC với kích thước khối u tầm 2x3 cm. Bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị.
Vào ngày 13/12 vừa qua, chị N được đưa vào phẫu thuật cắt bỏ tử cung, nạo hạch. Hiện, >sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển tốt và đang được theo dõi kiểm tra để đánh giá có cần thêm liệu pháp xạ trị sau mổ.
Gần đây, bệnh nhân mắc UTCTC ngày càng trẻ hóa, gần nhất có một bệnh nhân 24 tuổi (quê đồng Tháp) cũng mắc bệnh tương tự. Tưởng chừng đây là bệnh nhân UTCTC trẻ nhất trong 25 năm qua của bệnh viện thì chỉ sau 1 tháng cô gái 23 (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã xô đổ kỉ lục.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 bệnh viện Ung Bướu TPHCM lý giải, nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung được xác định là do vi-rút HPV gây ra. Loại vi-rút này thường lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, qua tiếp xúc với dịch chứa vi-rút…
Điều đáng lưu ý vi rút HPV diễn tiến gây ung thư cổ tử cung phải trải qua quá trình từ 10 đến 20 năm trong trường hợp thông thường. Vì vậy, thường thì ung thư cổ tử cung sẽ gặp ở độ tuổi trung niên, tiền mãn kinh… chứ ở độ tuổi từ 20-30 thì trước đây ít gặp, trừ khi có các tác nhân nào đó khiến cho quá trình diễn tiến nhanh hơn. Các giai đoạn IA, IB là giai đoạn các tế bào ung thư còn giới hạn ở các mô của tử cung, chưa di căn xa.Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung chủ yếu vẫn là phẫu trị hoặc xạ trị hoặc kết hợp cả hai.
UTCTC có giai đoạn tiền khởi thường diễn tiến âm thầm, không gây đau đớn, sẽ khó phát hiện được nếu người phụ nữ không đi khám và làm xét nghiệm PAP.
Ngày nay, 84% trường hợp UTCTC là ở các nước đang phát triển. Ở các nước này, UTCTC là bệnh lý đứng hàng thứ hai về bệnh suất (15,7/100.000 phụ nữ) và đứng hàng thứ ba về tử suất (8,3/100.000). Riêng tại Việt Nam, theo GLOBOCAN (thuộc tổ chức ung thư toàn cầu) 2012, UTCTC có bệnh suất và tử suất lần lượt là 10,6/100.000 phụ nữ và 5,2/100.000 phụ nữ (tức khoảng hơn 5.000 ca mắc UTCTC và 2.500 ca tử vong).
Bệnh nhân H.T.N nói trên không phải là trường hợp duy nhất bị ung thư phụ khoa khi còn rất trẻ. Trong năm 2018, đã có không ít những trường hợp người trẻ bị ung thư gây "ám ảnh".
Thiếu nữ 17 tuổi qua đời vì bị ung thư cổ tử cung
BS Phạm Thị Diệu Hà, Phó khoa ung thư phụ khoa (Bệnh viện K Trung ương) kể lại trường hợp mắc ung thư cổ tử cung khi tuổi đời còn rất trẻ đó là nữ bệnh nhân 17 tuổi, tên M.
Theo đó, M. là một cô gái quê Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình khá giả, có ngoại hình xinh xắn, dễ thương. Do điều kiện sống đầy đủ, M. phổng phao hơn các bạn cùng trang lứa, đồng nghĩa với đó M. yêu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và quan hệ tình dục với không ít người khi còn là học sinh.
Đến năm 17 tuổi, M. bất ngờ phát hiện bị chảy máu vùng kín, nhưng ban đầu cô gái trẻ chỉ nghĩ do kinh nguyệt không đều nên không đi khám. Chỉ đến khi tình trạng kéo dài, kèm theo đó là cảm giác đau đớn, M. mới nói chuyện với gia đình và được đưa đi khám.
Dù mới 17 tuổi, nhưng kết quả xét nghiệm khiến không chỉ gia đình mà ngay cả bác sĩ cũng “giật mình”. M. bị ung thư cổ tử cung xâm lấn, chứ không đơn thuần là viêm nhiễm phụ khoa thông thường.
Sau khi có kết quả chụp chiếu, xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung cho M. đồng thời tiến hành xạ trị, nhưng chỉ 2 năm sau, bệnh tiếp tục tái nặng. M. ra đi vì biến chứng suy thận.
Đây là câu chuyện của một nữ bệnh nhân, mà cho đến bây giờ bác sĩ Hà vẫn còn ám ảnh. “Tôi đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhưng đây là trường hợp còn rất trẻ. Đến giờ tôi vẫn nhớ khoảnh khắc người cha gần như khuỵu xuống van xin chúng tôi cứu chữa, nhưng mọi thứ đã quá muộn”, BS Hà nhớ lại.
Hotgirl qua đời vì ung thư buồng trứng
Hot girl Đoàn Dạ L. (Miss Teen 2010) qua đời ở tuổi 25 vì mắc căn >bệnh ung thư buồng trứng khiến không ít người bàng hoàng và xót thương. Được biết, Đoàn Dạ L. mới phát hiện ung thư buồng trứng cách đây vài tháng trước, tuy nhiên khi phát hiện thì bệnh đã di căn tới nhiều bộ phận cơ thể.
Kể từ khi phát hiện bệnh, Đoàn Dạ Ly đã phải tạm ngừng công việc để chạy chữa. Cô từng trải qua nhiều đợt hóa xạ trị và 3 lần phẫu thuật điều trị ung thư buồng trứng tại Hà Nội nhưng vẫn không qua khỏi.
Ung thư buồng trứng nghiêm trọng khi mới ngoài 30 tuổi
Bệnh nhân tên X., 66 tuổi bị tâm thần khoảng 30 năm nay. Trước khi vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trong vài tháng bụng bà cứ to dần, hai chân yếu, khó đi lại và thường đau bụng nên được đưa đi viện khám.
Hầu như các bác sĩ đều đánh giá trường hợp này khó phẫu thuật. Sau đó người nhà đưa bà lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chẩn đoán bệnh nhân có bướu vùng chậu, theo dõi ung thư buồng trứng. Khối u xâm lấn xương cùng cụt và vách chậu, chèn ép niệu quản gây thận ứ nước và chèn ép thần kinh làm yếu liệt chân.
Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ e ngại không dám mổ vì bệnh nhân yếu, bướu dính quá phức tạp, nhưng nếu không tiến, nguy cơ tử vong cao.
Với kinh nghiệm nhiều năm, bác sĩ Tiến quyết định cùng đồng nghiệp mổ cho bệnh nhân. Khả năng thành công của ca phẫu thuật tiên lượng chỉ khoảng 20-30%.
Quá trình điều trị gian nan khiến người nhà nhiều lần muốn bỏ cuộc, ký hồ sơ xin đưa bệnh nhân về nhưng các bác sĩ đã thuyết phục ở lại điều trị. Sau 2 tuần chăm sóc hậu phẫu vất vả vì bệnh nhân tâm thần không hợp tác, bệnh nhân đã bình phục hai chân, cử động được và xin về nhà tịnh dưỡng.