Nhiễm trùng máu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, vi sinh vật gây bệnh không còn khu trú tại một cơ quan tổn thương ban đầu mà theo đường máu lan đi khắp cơ thể cực kỳ nguy hiểm.
Nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu hay nhiễm khuẩn huyết là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng khi toàn cơ thể phải phản ứng với sự hiện diện của vi trùng trong máu. Trong khi hệ thống miễn dịch vốn có chức năng là bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng, chính nó cũng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch khi đối phó với nhiễm trùng.
Nhiễm trùng máu nguy hiểm không chỉ vì độc lực của vi khuẩn, độc tố từ các chất bài tiết của chúng, mà còn vì các chất hóa học trung gian do hệ thống miễn dịch giải phóng vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân để chống lại nhiễm trùng nhưng lại làm tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể. Theo đó, các trường hợp >nhiễm trùng máu nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, nhanh chóng dẫn đến tử vong nên đây được xem là một cấp cứu y tế.
Trên thế giới có hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm trùng máu mỗi năm và nhiễm trùng máu nằm trong top 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu.
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong 90 ngày đầu sau sinh. Bác sĩ sẽ phân loại bệnh dựa trên thời gian nhiễm trùng, bao gồm:
Nhiễm trùng trong quá trình sinh nở (khởi phát sớm): Tình trạng này thường xảy ra trong 24 – 48 tiếng sau khi sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do em bé bị nhiễm bệnh từ mẹ trước hoặc trong quá trình sinh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh khởi phát sớm như: nhiễm Streptococcus nhóm B trong quá trình mang thai, sinh non, ối vỡ kéo dài hơn 18 tiếng, nhiễm trùng ối …
Nhiễm trùng sau sinh (khởi phát muộn): nhiễm trùng xảy ra sau khi sinh. Trẻ sơ sinh phải đặt ống thông trong mạch máu kéo dài hoặc phải ở bệnh viện trong thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm trùng máu cao hơn.
Dựa vào phân loại bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Ngoài ra, trẻ sinh nhẹ cân hoặc trẻ sinh non sẽ dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn vì hệ miễn dịch vẫn còn rất yếu.
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể sẽ hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng nào.
Bệnh nhiễm trùng máu ở người lớn tuổi
Càng lớn tuổi, hệ miễn dịch càng suy yếu bởi nhiều nguyên nhân (lão hóa, các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, ung thư, huyết áp cao, HIV…). Điều này khiến các vi sinh vật gây bệnh dễ dàng đi vào máu và dẫn đến nhiễm trùng.
Các tình trạng nhiễm trùng khác có thể gây ra nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) ở người lớn tuổi gồm: viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, loét tì đè hoặc vết thương da. Các triệu chứng nhiễm trùng phổ biến nhất ở nhóm đối tượng này là mất phương hướng, nói sảng hoặc nhầm lẫn. Thêm vào đó, giảm trí nhớ do lớn tuổi cũng ảnh hưởng đến bệnh sử không rõ ràng ở nhiều bệnh nhân.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu
Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu có thể là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các bệnh có khả năng cao gây nhiễm trùng máu bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng tiểu trên, viêm mô tế bào, u nhọt,…
Lão hóa cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhiễm trùng huyết. Bên cạnh đó, tỷ lệ các chủng vi khuẩn, virus kháng thuốc gia tăng cũng khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Các nguyên nhân khác gây ra bệnh đó là hệ miễn dịch suy yếu do HIV, điều trị ung thư, tác dụng của thuốc cấy ghép.
Triệu chứng bị nhiễm trùng máu
Các triệu chứng ban đầu của nhiễm trùng huyết đôi khi khá mờ nhạt và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng ban đầu cần nghi ngờ đến nhiễm trùng máu là:
- Sốt cao hay đôi khi thân nhiệt bị hạ thấp;
- Cảm giác ớn lạnh và run rẩy;
- Da lạnh, vã mồ hôi;
- Da mát và nhợt nhạt, nổi bông ở tứ chi, báo hiệu tưới máu mô kém;
- Huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp;
- Nhịp tim nhanh;
- Tăng nhịp thở;
- Thở mệt, thở co kéo;
- Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn ói;
- Lượng nước tiểu ít hay có thể không đi tiểu cả ngày;
- Chóng mặt hoặc cảm giác lừ đừ, đuối sức;
- Lú lẫn hoặc có bất kỳ thay đổi bất thường nào khác về trạng thái tinh thần, như bất lực, sợ hãi về cái chết;
- Mất ý thức.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Bạn hoặc con bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng huyết nào sau đây:
Cực kỳ mệt mỏi hoặc không đi tiểu trong vòng 1 ngày (người trưởng thàn và trẻ lớn) và 12 giờ (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Nôn ói liên tục và không thể ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì.
Sưng, đỏ và đau xung quanh vết cắt hoặc vết thương.
Thân nhiệt tăng cao hoặc hạ thấp hơn mức bình thường, cảm thấy nóng hoặc lạnh khi chạm vào, run rẩy, ớn lạnh.