PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Phó chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, cho biết bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đang ngày càng trẻ hoá.
Mới đây, PGS Nghị phẫu thuật cho bệnh nhân ngoài 30 tuổi, bị ung thư lan toàn bộ dạ dày. Ông phải cắt toàn bộ dạ dày và lấy ruột non để thay cho người này.
Khoảng 3 tháng trước, bệnh nhân có triệu chứng ăn chậm tiêu hoá, đầy bụng, tiêu chảy. Khi xuất hiện dấu hiệu sút cân nhiều, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày lan tỏa do nhiễm HP rất nặng.
Một trường hợp khác được PGS Nghị phẫu thuật cách đây không lâu cũng mới 27 tuổi. Nam bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày, do không điều trị triệt để, bệnh tiến triển thành viêm mạn và ung thư.
"Người Việt Nam, Trung Quốc, Đông Âu mắc ung thư dạ dày khá nhiều. Thủ phạm gây bệnh có liên quan nhiều tới yếu tố ăn uống và nhiễm vi khuẩn HP", PGS Nghị cho hay.
Bên cạnh đó, một thủ phạm khác khiến tỷ lệ người Việt Nam mắc ung thư dạ dày cao là chế độ ăn những chất đạm phân hủy không triệt để, tạo ra các chất nitrit, và nitrat. Hai chất này có khả năng kết hợp một số chất trong cơ thể, tạo ra nitro zamin, thủ phạm gây ung thư dạ dày.
"Đã có những thử nghiệm cho chuột uống hai chất trên thì thấy sau một thời gian chuột bị ung thư dạ dày. Nitrit và nitra có nhiều trong các món ăn như dưa, cà muối, thịt muối", PGS Nghị cho hay.
Theo chuyên gia này, cách phòng ung thư dạ dày hiệu quả nhất là hạn chế ăn các đồ rau, củ quả muối, đặc biệt là thịt muối. Nên ăn rau xanh, hoa quả tươi và uống nhiều nước để giúp thức ăn chuyển hóa tốt hơn.
Để giảm gánh nặng cho dạ dày, người ở độ tuổi từ 45-50 nên ăn đồ ninh nhừ hoặc có thể cắt, băm nhỏ, giúp thực phẩm dễ tiêu hóa hơn.
"Hạn chế ngồi quá lâu khiến cho dạ dày bị gấp khúc tạo thành hội chứng trào ngược dạ dày", PGS.TS Nghị khuyên.
Đối với người bị viêm dạ dày dương tính với vi khuẩn HP, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị khuyến cáo cần điều trị kiểm soát HP triệt để. Việc điều trị HP, nếu không tuân thủ theo phác đồ, rất dễ dẫn tới kháng thuốc, khó khăn cho điều trị.
Theo GS Hoàng Công Đắc, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện E, Hà Nội, bệnh nhân bị nhiễm HP dạ dày cần điều trị triệt để, tránh những biến sau này như chảy máu, viêm teo niêm mạc gây ung thư.
Vi khuẩn HP lây qua đường tiêu hoá. Những thói quen tăng nguy cơ nhiễm HP như không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, dùng chung bát đũa, không thực hiện an toàn vệ sinh ăn chín uống sôi, đi làm một số dịch vụ y tế (lấy cao răng) trước đó dụng cụ không được khử trùng tốt.
GS Đắc từng điều trị cho rất nhiều trường hợp cả gia đình bị nhiễm HP dạ dày, do không biết cách phòng tránh. Trong số các thành viên bị HP dạ dày của gia đình đó, có người bị mắc ung thư.