Người sinh năm 1990 có nguy cơ ung thư đại tràng cao gấp hai lần và ung thư trực tràng gấp bốn lần người sinh năm 1950.
Theo thống kê từ Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), tỷ lệ mắc >ung thư đại trực tràng ở người trưởng thành dưới 55 tuổi đã tăng 2% mỗi năm kể từ giữa thập niên 1990. Nghiên cứu khác được công bố ngày 17/5 trên Lancet Gastroenterology & Hepatology cho thấy xu hướng trẻ hóa của ung thư đại trực tràng đã và đang lan rộng khắp toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn 2004-2014.
Các nhà khoa học cho rằng béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên. Từ năm 1980, tỷ lệ béo phì đã tăng gấp đôi tại 70 quốc gia. Người béo phì có lượng protein phản ứng C cao mà protein này có liên quan đến các bệnh mạn tính bao gồm ung thư, viêm khớp, bệnh tim mạch, tiểu đường.
Nghiên cứu trên JAMA cũng chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ ung thư đại trực tràng thông qua dữ liệu của 85.000 phụ nữ từ 25 đến 42 tuổi. Cụ thể, nguy cơ ung thư đại trực tràng của người béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) 30 cao gấp đôi người có cân nặng hợp lý với BMI từ 18,5 đến 22,9. Chỉ số BMI càng cao, rủi ro bệnh tật càng lớn.
Ngoài béo phì, thói quen tuổi thơ cũng có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng. Theo ông Franklin Berger, giám đốc nghiên cứu và tiếp cận tại Đại học South Carolina, hình thức sinh nở, sử dụng kháng sinh, stress và chế độ >dinh dưỡng khi nhỏ góp phần vào các vấn đề >sức khỏe lúc trưởng thành.
Để kịp thời phát hiện và điều trị ung thư đại trực tràng, ACS khuyến cáo người từ 45 tuổi nên làm xét nghiệm ung thư đại trực tràng sớm thay vì chờ đến 50 tuổi như trước. Đặc biệt, thanh thiếu niên cần quan tâm và thay đổi lối sống để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.