Gần đây, ở Hàng Châu (Trung Quốc) trời mưa dầm kéo dài, nhiệt độ cũng giảm thấp. Do vậy cơ thể ra mồ hôi ít, cô Lý cho rằng bản thân uống nhiều nước nên mới thường xuyên đi vệ sinh, không ngờ sau khi đến bệnh viện kiểm tra mới biết không phải là như vậy.
Cô Lý, 51 tuổi, trong một tháng qua, cô thường xuyên đi vệ sinh, ban ngày phải đi 7,8 lần, buổi tối cô cũng phải đi 3,4 lần. Lúc đầu, cô nghĩ rằng do bản thân uống nhiều nước, nhưng về lâu về dài, cô nhận thấy điều này có chút bất thường. Cuối cùng cô đã đến Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Công Hội thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) để kiểm tra.
Thông qua kiểm tra, cô Lý bị chẩn đoán mắc bệnh >nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này khiến cô Lý rất bất ngờ liền nói với bác sĩ: “Mấy năm gần đây, tôi đã nhiều lần bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Mỗi lần sau phát bệnh tôi được điều trị rất tốt, nhưng qua nửa tháng nay, bệnh lại tái phát, thậm chí là cách đây 1 tháng, tôi chỉ cần uống một chút nước cũng xuất hiện đi tiểu dồn dập, cấp bách, và cảm thấy đau rát khi đi tiểu”.
Bác sĩ Tần Dũng, trưởng Khoa Tiết niệu của bệnh viện nói rằng, tình trạng giống như cô Lý, trên lâm sàng tương đối phổ biến. Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nhiều khả năng bị tái phát. Gần đây, hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện khám đều là nữ.
Vậy, tại sao bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu lại thường xảy ra ở phụ nữ? Bác sĩ Tần Dũng phân tích có 3 nguyên nhân chính:
1. Đầu tiên, trong cấu trúc sinh lý, niệu đạo ở phụ nữ ngắn, miệng niệu đạo gần hậu môn, và niệu đạo ngắn hơn và rộng hơn so với nam giới. Nếu bạn không chú ý đến vệ sinh, chăm sóc thời kỳ kinh nguyệt không đúng hoặc thường xuyên nhịn tiểu,… đều có thể dẫn đến lượng lớn vi khuẩn sinh sôi nảy nở, lượng lớn vi khuẩn lưu trữ ở lối vào và phía trước âm đạo, rất dễ hình thành nhiễm trùng đường tiết niệu.
2. Tiếp theo, người bệnh tự mình uống thuốc không có quy luật cũng là một nguyên nhân khiến phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần:
- Tự ý ngừng thuốc: Có bệnh nhân sau uống thuốc 2 ngày, cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì lập tức dừng thuốc, sự tùy tiện dừng thuốc và không có phương pháp điều trị chính xác, thông qua một thời gian ngắn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ tái phát.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh: Có những bệnh nhân nhiễm đường tiết niệu thường ỷ lại vào thuốc kháng sinh, chỉ cần xuất hiện các triệu chứng khó chịu ở đường tiết niệu thì lập tức tự dùng thuốc kháng sinh, sau khi các triệu chứng thuyên giảm thời gian tương đối dài vẫn tiếp tục uống thuốc. Lạm dụng thuốc kháng sinh rất dễ dẫn đến vi khuẩn trong cơ thể sẽ kháng cả thuốc, lần tiếp theo nhiễm vi khuẩn, hiệu quả của thuốc kháng sinh rất kém, không có lợi cho việc điều trị bệnh.
3. Ngoài ra, phụ nữ đang trong thời mãn kinh hoặc sau mãn kinh cũng sẽ nhiều lần mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiều trường còn kèm theo âm đạo khô, cảm thấy nóng rát, đau. Bởi vì lượng estrogen nữ trong nhóm tuổi này bị giảm, biểu mô niêm mạc âm đạo và niệu đạo bị mỏng đi, các tế bào sừng bị giảm, hiệu ứng tự làm sạch âm đạo giảm, khiến vi khuẩn dễ sinh sôi ở phía trước và bên trong âm đạo.
Vậy, phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào? Bác sĩ Tần Dũng chỉ ra những điểm sau đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày: Nước lọc và nước ép giúp lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị.
- Vệ sinh đúng cách: Sau khi đi vệ sinh, mọi người nên lau chùi từ trước ra sau. Tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Phụ nữ nên đi tiểu và vệ sinh sạch sau khi quan hệ tình dục. Tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng;
- Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn.
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang uống thuốc tránh thai. Một số loại kháng sinh có thể tương tác với thuốc tránh thai.