Chân của ông Trần ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng, có nguy cơ phải cắt cụt vì một thứ đồ vật nhiều người ôm đi ngủ.

05:00 15/12/2018

Tại bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc ở Tiêu Sơn, Hàng Châu (Trung Quốc), một người đàn ông tên Trần Đại Bác, 50 tuổi nhập viện trong tình trạng chân bị nhiễm trùng nặng và có nguy cơ hoại tử da, khả năng cao sẽ phải cắt bỏ chân.

Điều gì đã dẫn tới vấn đề nghiêm trọng như vậy? Vài ngày trước trời trở rét, buổi đêm lạnh khó ngủ nên ông Trần đã ôm túi sưởi lên giường ngủ và đặt dưới chân cho ấm. Tuy nhiên do để nhiệt độ quá cao nên đã khiến chân ông bị bỏng. Tình trạng của ông Trần có lẽ sẽ không nghiêm trọng đến vậy nếu ông không mắc thêm bệnh tiểu đường.

Hóa ra ông Trần đã bị tiểu đường trong hơn 10 năm. Dù mang bệnh nhưng ông rất chủ quan, không chú ý kiểm soát lượng đường trong máu và cũng không uống thuốc thường xuyên. Khoảng 2 năm trước, tay chân ông dần bị tê cứng và gần như mất cảm giác. Do đó, buổi đêm khi ôm túi sưởi ở dưới chân dù rất nóng nhưng ông lại không cảm nhận được nhiệt độ chính xác mới dẫn tới bị bỏng.

Theo Lưu Diễm Bình, chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Bệnh viện y học cổ truyền, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở Trung Quốc là 11,6%, trở thành kẻ giết người số một đối với >sức khỏe của mọi người.

Tác hại chính của bệnh tiểu đường đến từ các biến chứng, đặc biệt là các mạch máu chi dưới dễ bị xơ cứng động mạch, trong khi các tổn thương thần kinh làm suy yếu sự di chuyển của các mạch máu, và sức đề kháng của các mô tại chỗ bị giảm, ngay cả đối với các vết thương rất nhỏ cũng có thể trở nên nghiêm trọng như nhiễm trùng.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng khoảng 1 trong 5 bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện vì các vấn đề với bàn chân của họ, và nhiều bệnh nhân gặp vấn đề nghiêm trọng, thậm chí cần phải cắt cụt chi.

Các bác sĩ khuyên rằng người bị tiểu đường nên chú ý những điểm sau:

1. Duy trì lối sống khoa học

Bệnh nhân tiểu đường nên lên kế hoạch về chế độ ăn uống, tăng cường theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu, học cách sử dụng insulin tốt và hạn chế để bệnh trở nên nghiêm trọng.

2. Kiểm tra y tế thường xuyên

Người mắc bệnh cũng cần chủ động tới bệnh viện khám, kiểm tra các chỉ số cơ thể và những biến chứng để phát hiện và điều trị sớm.

3. Tránh gây áp lực lên chân và chọn giày dép phù hợp

Không mang giày nhỏ, giày cao gót, giày đế cứng. Nên chọn giày mềm, thoáng khí, chiều dài dài hơn 1-2 cm so với chiều dài của chân, chiều rộng bằng chiều rộng của khớp ngón chân và chiều cao được coi là đủ che ngón chân. Cố gắng chọn vớ cotton, vớ không quá chật, để không in dấu vết lên chân. Mỗi khi đi giày, kiểm tra bên trong giày xem có vật lạ hay không tránh gây tổn thương chân.

4. Nhiệt độ của nước rửa chân thấp hơn 37 độ C

Nhiều người vì trời lạnh nên thường ngâm chân, phải chú ý kiểm tra độ nóng bằng tay hoặc nhiệt kế. Sau khi rửa, lau khô nhẹ nhàng, thoa thêm kem dưỡng ẩm để tránh nhiễm trùng khô. Sau khi rửa chân, hãy kiểm tra da cẩn thận, nếu thấy có mụn nước, vết thương nhỏ,... hãy đi khám ngay lập tức .

5. Khi thời tiết lạnh, sử dụng túi sưởi và máy sưởi một cách thận trọng

Vì nhiệt độ của bàn chân bị giảm và cảm giác của chân cũng hạn chế hơn trước nên người bị tiểu đường rất dễ bị bỏng. Khi sử dụng túi sưởi, hãy nhớ bọc nó trong một chiếc khăn. Không chạm trực tiếp vào da. Không nên sử dụng máy sưởi trực tiếp trên bàn chân.

6. Tự kiểm tra thường xuyên

Nếu bàn chân nhiễm nấm, mụn nước, bị thương hoặc bàn chân bị lạnh, cảm giác ở chân bị mất tốt nhất nên đến bệnh viện để điều trị.

Theo Minh Minh/Khám Phá