Ông Tang không ngờ rằng chỉ vì một vết thương nhỏ lại có thể khiến ông mắc bệnh nghiêm trọng tới vậy.
Ông Tang ở Thâm Quyến (Trung Quốc) là một đầu bếp và hàng ngày phải dùng đến dao để chế biến thịt lợn rất nhiều. Một ngày ông phát hiện thấy trên tay có hai vết thương nhỏ nhưng nghĩ rằng đây là chuyện bình thường hay gặp nên nhanh chóng bỏ qua và tiếp tục công việc nấu nướng, chế biến thịt lợn mà không đeo găng tay.
Ngày 14/6, ông Tang đột nhiên cảm thấy khó chịu trong người, khớp vai bỗng nhiên đau đớn dữ dội. Vài tiếng sau, ông lên cơn sốt cao nên đã tới bệnh viện gần nhất để điều trị. Tuy nhiên tình trạng của ông vẫn không thuyên giảm mà thậm chí còn tệ hơn, những cơn đau nhức càng trầm trọng.
Chiều ngày 20/6, ông Tang đã được chuyển vào Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến. Các bác sĩ nhận thấy ông Tang không thể cúi đầu, vai phải bị sưng đau khớp, có dấu kernig và dấu brudzinski – hai dấu hiệu của bệnh viêm màng não.
Tại sao ông Tang lại bị viêm màng não?
Sau khi thăm hỏi về nghề nghiệp của bệnh nhân và nhận thấy có vết thương trên tay, kiểm tra lại thấy áp lực dịch não tủy tăng lên, dịch não tủy chuyển màu đục là biểu hiện của viêm màng não mủ, bác sĩ Zeng Furong đã lập tức cho ông Tang điều trị chống nhiễm trùng.
Sau khi máu và mẫu dịch não tủy được đưa đi xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy vi khuẩn Gram dương đang phát triển dữ dội. Ông Tang được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis), viêm khớp vai phải, tiểu đường tuýp 2,..
Điều trị một thời gian, bệnh tình của ông Tang đã có tiến triển tốt đẹp, các cơn đau lần lượt biến mất.
Liên cầu khuẩn lợn là gì?
Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại trong 6 tuần ở thịt lợn ướp lạnh trong nhiệt độ 4 độ C, 8 ngày trong nhiệt độ 25 độ C và 3 tháng ở nhiệt độ 0 độ C.
Đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong. Con người thường dễ mắc bệnh khi giết mổ, xử lý và chế biến heo bị nhiễm khuẩn.
Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua một số con đường như:
Vết thương ở da: khi bạn có một vết thương ở trên da nhưng không xử lý đúng cách và vẫn chế biến lợn mắc bệnh thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương.
Qua đường ăn uống: Nếu bạn ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín, vi khuẩn có thể lây truyền qua đường tiêu hóa,
Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.
Lưu ý khi chế biến thịt lợn đề phòng nhiễm liên cầu khuẩn
- Không chế biến thịt lợn chết vì bệnh hay không rõ nguyên nhân;
- Mang găng tay khi xử lý và chế biến thịt lợn;
- Các món ăn sống và chín nên được để riệng biệt, dùng dụng cụ nấu nướng riêng;
- Thức ăn cần được nấu chín.