Các chuyên gia cho rằng, nước tinh khiết có thể dùng nấu ăn trong thời gian ngắn, nhưng nước khoáng thì không nên dùng để nấu ăn.
Dân nháo nhào đi mua nước đóng chai, cơ quan quản lý "cấm" tăng giá
Những ngày gần đây, người dân ở nhiều khu vực tại >Hà Nội đang bị đảo lộn cuộc sống hoàn toàn trước tình trạng nước sạch sông Đà bị ô nhiễm. Chính quyền Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không nên dùng nước sạch sông Đà để nấu ăn và uống. Biện pháp trước mắt để giải quyết vấn đề này là dùng xe téc chở nước sạch đến các khu dân cư để cung cấp nước sạch cho người dân.
Tuy nhiên, tại chung cư Linh Đàm ngày 16/10, một số người dân khi lấy nước sạch từ các xe téc chở đến đã phát hiện nguồn “có vấn đề” khi xuất hiện mùi tanh bất thường. Để đảm bảo an toàn cho >sức khỏe bản thân, rất nhiều người đã chọn cách mua nước khoáng, >nước tinh khiết đóng chai, đóng bình về sử dụng.
Trước nhu cầu rất lớn của người dân, một số cửa hàng, siêu thị ở khu vực nguồn nước bị ô nhiễm, các loại nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, đóng bình đã rơi vào tình trạng “cháy” hàng. Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hình ảnh người dân ùn ùn vào siêu thị chỉ để mua nước về sử dụng.
Lo ngại các tiểu thương tăng giá nước đóng chai, đóng bình khi thấy nhu cầu của người dân đang rất lớn, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội về việc ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình trước thông tin nguồn nước tại một số khu vực tại Hà Nội nhiễm styren.
Dùng nước khoáng để nấu ăn là không tốt, không dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ
Với việc người dân ùn ùn đi mua nước đóng chai, đóng bình về sử dụng, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không thật sự an toàn nếu sử dụng sai cách hoặc lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nước tinh khiết đóng chai nếu dùng trong thời gian ngắn thì không đáng lo ngại, kể cả khi đun sôi hoặc nấu ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài thì sẽ không tốt cho sức khỏe, bởi nước tinh khiết thiếu một số khoáng chất cơ bản mà chỉ nước tự nhiên mới có.
“Về nguyên lý nước tinh khiết đã được lọc giống như nước cất. Trong khi cơ thể cần 50% muối khoáng và các vi chất từ nước, như vậy nếu dùng nước tinh khiết trong một thời gian dài sẽ làm cơ thể không đủ các chất và dễ gây bệnh”, PGS Thịnh chia sẻ.
Với nước tinh khiết thì có thể dùng để nấu ăn trong một thời gian ngắn, nhưng với nước khoáng đóng chai hoặc đóng bình, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng để nấu ăn.
Lý giải về vấn đề này, GS Trần Văn Sung – nguyên Viện trưởng Viện Hóa học cho biết nước khoáng có chứa nhiều loại khoáng chất như: magie, canxi, natri, kali… Vì thế nếu dùng nước khoáng nấu ăn thì ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ tác động đến thành phần của nước khoáng chẳng hạn như: sinh ra cặn canxi, natri… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là những người thận yếu.
Với những gia đình có con nhỏ, người lớn cũng cần tránh việc dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ. Bởi như vậy sẽ làm cho thận của trẻ nhỏ phải hoạt động nặng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, khi pha chung nước khoáng với sữa, các khoáng chất trong nước sẽ cùng hòa với vitamin và dưỡng chất có trong sữa. Tuy nhiên, quá trình hấp thụ chất >dinh dưỡng của trẻ nhỏ không được tốt nên các chất khoáng sẽ dễ được hấp thụ còn vitamin và dưỡng chất trong sữa thì không.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên dùng nước khoáng để uống, còn nước tinh khiết có thể dùng để nấu ăn trong tình thế cấp bách.