Từ 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh. Vậy người bệnh khi đi khám chữa bệnh sẽ được lợi gì từ việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử?
Theo PGS - TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì mỗi người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án.
Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 đến 20 năm tùy từng trường hợp.
Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
- Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ.
- Người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám >sức khỏe tổng quát định kỳ.
- Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.
Thời gian cập nhật >hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.