Một nghiên cứu mới công bố đã chỉ ra rằng hút thuốc cũng có thể tăng mỡ ở vùng bụng và loại mỡ này liên quan đến nhiều bệnh nghiêm trọng.
Bỏ >hút thuốc có tiềm năng mang đến nhiều lợi ích >sức khỏe, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh phổi và ung thư, thậm chí có thể kéo dài thêm tới mười năm tuổi thọ của bạn.
Tuy nhiên, nhiều người lại ngần ngại bỏ> thuốc lá với lý do ngừng hút thuốc lá sẽ gây> tăng cân. Điều này liệu có thực sự chính xác?
Ảnh minh họa
Tại sao nhiều người sợ bỏ thuốc lá gây tăng cân?
Thực tế, trong thời gian ngắn sau khi ngừng hút thuốc lá, cân nặng của nhiều người có dấu hiệu tăng lên khoảng 5 đến 10 pound (2,2 kg đến 4,5 kg).
Theo chuyên gia dinh dưỡng học Lauren Mahesri, điều này xảy ra vì hút thuốc có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn cả về thể chất lẫn hành vi. “Chất nicotine trong thuốc lá làm tăng hormone gây no trong cơ thể để giảm cơn đói về mặt thể chất”, chuyên gia này nhận xét.
Ngoài ra, Lauren Mahesri cũng cho biết hành động hút thuốc bằng miệng có thể làm giảm sự thèm ăn về mặt hành vi bằng cách hạn chế việc ăn do cảm giác buồn chán hoặc căng thẳng.
Chính vì vậy, nhiều người muốn bỏ thuốc nhưng ngần ngại thử điều này vì sợ sẽ tăng cân. Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Addiction, việc tiếp tục hút thuốc lá cũng có thể góp phần làm tăng cân.
Mối liên hệ giữa hút thuốc và mỡ bụng
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển hóa Cơ bản NNF tại Đại học Copenhagen theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe của 1,2 triệu người châu Âu đã bắt đầu hút thuốc và hơn 450.000 người đã hút thuốc suốt đời. Các nhà nghiên cứu cũng có dữ liệu về sự phân bố mỡ cơ thể cho một nghiên cứu bao gồm hơn 600.000 người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cả việc bắt đầu hút thuốc và hút thuốc suốt đời đều có thể làm tăng mỡ bụng cho người hút thuốc.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Germán Carrasquilla, nhà dịch tễ học tại Viện Karolinska ở Thụy Điển, cho biết phần mỡ gia tăng ở bụng có thể là mỡ nội tạng.
Mỡ nội tạng không nhìn thấy được, bao quanh các bộ phận bên trong cơ thể. Tỷ lệ mỡ nội tạng trong tổng lượng mỡ của cơ thể khoảng 10% là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ nội tạng quá nhiều có thể gây chứng viêm, bệnh tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ và tiểu đường.
Tại sao hút thuốc có thể làm tăng mỡ nội tạng?
Chuyên gia Lauren Mahesri giải thích rằng mối liên hệ giữa hút thuốc và một loạt các rối loạn chuyển hóa như cholesterol cao, kháng insulin, huyết áp cao và bệnh tiểu đường loại 2, đã được biết rõ.
“Mặc dù cơ chế của sự kết nối này chưa được hiểu đầy đủ nhưng có khả năng là những rối loạn chuyển hóa này là nguyên nhân gây tăng mỡ nội tạng”, cô nói.
Jessie Dickinson, một chuyên gia dinh dưỡng từ Nudj Health, còn tuyên bố thêm rằng nicotin trong thuốc lá có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol.
Cô cho biết: “Hút thuốc có thể làm tăng mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và làm giảm mức cholesterol HDL (cholesterol tốt)”, đồng thời cho biết thêm rằng chất béo nội tạng có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL cao, cholesterol HDL thấp, kháng insulin và hội chứng chuyển hóa.
Vì vậy, mặc dù việc ngừng hút thuốc lá có thể dẫn đến tăng cân trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài, nếu không dừng lại, bạn có thể tăng mỡ bụng và khiến sức khỏe của mình gặp nhiều nguy cơ hơn.
Cách ngăn ngừa tăng cân khi bỏ thuốc lá
Theo chuyên gia Mahesri, một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa tăng cân sau khi bỏ hút thuốc là tìm ra một cơ chế đối phó thay thế ngoài thức ăn. Mọi người thường tìm đến thức ăn với cùng mục đích mà trước đây họ từng hút thuốc để đạt được, chẳng hạn như thư giãn và giảm đi sự buồn chán hoặc căng thẳng.
“Nếu người đó tìm ra các cơ chế đối phó thay thế - sở thích, tập thể dục - họ có thể tránh được lượng calo dư thừa”, chuyên gia nhận định.
Hơn hết, điều quan trọng là phải thay đổi lối sống, tập trung vào việc ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ trong trường hợp quá căng thẳng, chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng sau khi bỏ thuốc lá.