Tình trạng chậm kinh tưởng chừng như bình thường nhưng lại ngầm cảnh báo nhiều vấn đề tiềm ẩn, đặc biệt là các loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ.
Kinh nguyệt là dấu hiệu đặc trưng cho thấy chị em đã bước vào tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý. Thông thường mỗi chu kỳ sẽ xoay vòng từ 28 – 30 ngày, nếu đến sớm hoặc chậm khoảng vài ngày là điều bình thường. Tuy nhiên khi đã vượt quá 1 tuần mà "ngày đèn đỏ" vẫn chưa thấy đâu thì đó được xem là chậm kinh.
Chậm kinh là điều phụ nữ không biết tỏ cùng ai bởi nó xuất hiện thất thường không rõ lý do.
Hiện tượng này tưởng chừng như bình thường nhưng thực chất, nó lại là tín hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm đang ngầm phát triển. Theo tiến sĩ Debra Rose Wilson tại chuyên trang y tế Healthline, ngoài việc mang thai thì 6 nguyên nhân sau chính là "thủ phạm" khiến kinh nguyệt biến mất, cần phải cảnh giác và đi khám ngay:
1. Căng thẳng, stress quá mức
Phụ nữ ngày nay phải chịu rất nhiều áp lực vô hình, từ công việc cho đến tình cảm đều khiến họ mệt mỏi. Lúc này nếu không giải tỏa ngay sẽ gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, cuối cùng dẫn đến tình trạng chậm kinh. Trong một số trường hợp, phụ nữ sẽ chậm kinh đến 2 tháng khi stress cực độ.
Chưa kể căng thẳng cũng tác động đến nội tiết tố, làm thay đổi hoạt động của vùng dưới đồi (khu vực điều chỉnh lưu lượng máu) nên khiến bạn dễ béo phì và ăn nhiều hơn trông thấy. Vậy nên chị em cần tránh để bản thân rơi vào tình trạng stress, hãy chủ động tâm sự với người thân và bạn bè để giải tỏa nỗi niềm. Đơn giản hơn là làm những gì mình thích để bỏ bớt áp lực.
Hãy vui vẻ lên hàng ngày và đừng để bản thân stress quá lâu phụ nữ nhé.
2. Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Hay còn được viết tắt là PCOS, hội chứng buồng trứng đa nang sẽ khiến cơ thể bị rối loạn nội tiết tố, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và cản trở quá trình rụng trứng. Chính điều này cũng làm bạn bị mất kinh hoàn toàn hoặc chậm kinh trong tháng đó.
Một số triệu chứng thường thấy của PCOS có thể là mọc lông nhiều ở ngực, mặt… và khó xuống cân dù cố gắng ăn kiêng. Nếu không chữa trị sớm, chị em còn đối mặt với nguy cơ vô sinh, dễ mất đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng. Do vậy hãy đi khám sớm để điều trị ngay khi có những dấu hiệu ban đầu.
3. Vận động quá sức
Để diện đồ đẹp cho một dịp quan trọng nào sắp tới, nhiều phụ nữ đã quyết tâm phải lấy lại vóc dáng một cách nhanh nhất. Vậy nên họ đã tập luyện liên tục, tập càng nhiều càng tốt để hy vọng giảm cân. Nhưng bản chất điều này không tốt cho cơ thể chút nào, thậm chí còn là 1 trong những nguyên nhân gây chậm kinh.
Có tập luyện thế nào cũng biết lượng sức và nghỉ ngơi để cơ thể cân bằng, tránh chậm kinh.
Tập thể dục rõ ràng là có lợi với >sức khỏe nhưng lại không đồng nghĩa với việc lạm dụng biện pháp này. Lúc này chỉ số khối cơ thể (BMI) sẽ bị giảm xuống 18 – 19, khiến nguồn >dinh dưỡng bị mất đi và không thể sản xuất đủ estrogen để duy trì chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Để khắc phục vấn đề này, bạn cần phải vận động chậm lại, ăn nhiều hơn và tập luyện ít đi một chút.
4. Do các bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa có thể cản trở chu kỳ kinh nguyệt và làm chị em chậm kinh, chẳng hạn như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, viêm buồng trứng hay suy buồng trứng… Để nhận biết liệu bản thân có mắc bệnh hay không, hãy nhìn chu kỳ kinh của mình xem có những biểu hiện gì bất thường như:
- Máu kinh bị vón cục, có mùi khó chịu
- Xuất hiện màu lạ trên băng vệ sinh
- Đau bụng dưới âm ỉ
- Dịch tiết âm đạo bất thường
- "Cô bé" có mùi hôi dù vệ sinh hàng ngày
Kinh nguyệt cũng như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của phụ nữ. Vậy nên một khi chúng không xuất hiện như bình thường, đừng chần chừ nữa mà hãy đi khám phụ khoa ngay để cải thiện tình hình.
5. Mãn kinh đến sớm
Thông thường thì giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ rơi vào khoảng sau 42 tuổi. Tuy nhiên có một số người mới trẻ tuổi đã mắc phải, nguyên do là vì cơ thể bắt đầu tiết ra ít estrogen gây >rối loạn kinh nguyệt và chậm kinh.
Còn trẻ tuổi mà đã mãn kinh sớm thật sự rất nguy hiểm. Nếu không điều trị sớm thì khả năng sinh sản sẽ suy yếu và số lượng trứng cũng ít dần đi. Bên cạnh đó, một số thủ thuật y học như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật tại vùng bụng cũng gây mãn kinh sớm.
6. Do rối loạn nội tiết tố
Nội tiết tố estrogen và kinh nguyệt có liên quan mật thiết với nhau, nếu một bên khỏe thì bên kia cũng hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi có bất thường xảy ra trong cơ thể thì vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng sẽ hoạt động sai lệch. Điều này khiến nội tiết tố bị mất cân bằng và dẫn tới chậm kinh.
Để giữ cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định và hạn chế trễ kinh, bạn cần thay đổi những thói quen xấu như thức khuya hay lười vận động… Ngoài ra, chị em nên tránh căng thẳng, duy trì cân nặng vừa phải và không tăng giảm cân đột ngột. Hãy thiết lập một chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt hợp lý, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi để giúp kinh nguyệt hoạt động bình thường.