Tâm sen là một trong những vị thuốc dùng để hãm trà uống rất phổ biến vào dịp Tết nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng.
Sử dụng >tâm sen, nhiều người tin giúp giải rượu, chữa mất ngủ vào dịp đầu năm mới cực tốt
Tâm sen là phần nhân màu xanh nằm phía trong mỗi hạt sen. Bộ phận bé nhỏ này thực ra có thể được sử dụng làm thuốc vô cùng hiệu quả. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lá sen hay còn gọi là liên diệp hay hà diệp có có vị đắng, chát, tính bình, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, có tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết, được sử dụng để làm thuốc an thần, chữa mất ngủ, chữa sốt, miệng khô khát. Loại lá này có tính thanh nhiệt, bình can.
Trong lá sen có chứa alkaloid và flavonoid có tác dụng chống oxy hóa lipid màng tế bào gan, do đó còn được sử dụng để chữa chảy máu, đại tiện, tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, chống xơ vữa mạch, rối loạn nhịp tim, xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết, an thần và giảm mỡ máu.
Trong Đông y, hạt sen có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cổ tinh. Tâm sen có vị rất đắng, có tác dụng an thần nhẹ. Gương sen có tác dụng tiêu ứ, cầm máu. Tua nhị sen có vị chát, tính ấm có tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết. Lá sen có vị đắng, tính mát giúp hạ huyết áp, an thần, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Ngó sen giúp cầm máu, tráng dương, an thần…
Mặc dù vậy, ít ai biết được công dụng của tâm sen. Tâm sen hay còn gọi là tim của hạt sen có tên gọi trong Đông y là Liên tử tâm, tên vị thuốc là Liên tâm. Bộ phận dùng làm thuốc là Tâm của hạt sen. Tâm sen nằm trong các hạt sen cũng được sử dụng trong y học truyền thống châu Á như là một loại thuốc có tác dụng an thần và thanh nhiệt. Về thành phần hóa học, tâm sen có chứa Alcaloid, flavonoid, acid amin.
Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy tim sen (mầm) nằm giữa hạt sen có vị đắng tính hàn, tác dụng thanh tâm khử phiền, chỉ huyết sáp tinh. Dùng làm thuốc được ghi trong sách "Thực tính bản thảo" (đời cuối nhà Đường).
"Tâm sen có vị đắng, tính hàn, vào kinh tâm, có công năng thanh tâm hỏa, trấn kinh, an thần, gây ngủ, bình can hạ áp, có tác dụng thanh nhiệt, dùng khi ôn nhiệt tà nhiệt, tâm phiền bất an, bất ngủ, cao huyết áp", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
GS Phan Toàn Thắng (Cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn (hiện đang công tác tại Singapore) cho biết, ông đánh giá tâm sen là một loại thảo dược rất tuyệt giúp "thanh lọc cơ thể qua 2 kênh tiết niệu thận và gan ruột tiêu hóa", lại thêm tác dụng "an thần nên giúp ngủ rất sâu và êm". Chuyên gia khẳng định nếu chúng ta quá chén trong dịp Tết có thể uống dung dịch tâm sen sẽ giúp giải rượu, làm cơ thể khỏe mạnh hơn.
Hiểu được những điều ấy, nhiều người sử dụng tâm sen để làm nước uống thay nước lọc vào dịp Tết với chế độ ăn nhiều đạm ngán ngấy. Nhưng liệu có phải cứ tùy tiện sử dụng tâm sen bao nhiêu cũng được?
Muốn tâm sen phát huy tác dụng, nhất định phải thực hiện đúng cách
Theo lương y Bùi Hồng Minh, mặc dù tâm sen rất tốt nhưng những người bị hư nhiệt không nên dùng nhiều. Về lâu dài, bạn có thể bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Đặc biệt là sử dụng tâm sen về lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng sinh lý, cụ thể nhất chính là suy giảm ham muốn tình dục. Hàm lượng alkaloid trong tâm sen rất cao, có tác động dược lực mạnh và ảnh hưởng đến >sức khỏe tim, do đó liều dùng rất quan trọng và đặc biệt không sử dụng lâu dài.
Những người bị âm hư không nên dùng, mặc dù uống vào vẫn ngủ được. Bởi lẽ, chỉ ít lâu sau, bạn sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường và tắc tĩnh động mạch, phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt.
"Nói chung là dùng tâm sen cần hết sức cẩn trọng vì nếu không tuân thủ liều lượng sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc. Dùng bất cứ thứ gì quá lạm dụng đều không tốt, nhất là khi tâm sen có tác động dược lực mạnh", chuyên gia khẳng định.
Để giải rượu và chữa mất ngủ dịp Tết, bạn có thể sử dụng tâm sen nhưng nhất định phải theo hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ. Ngoài ra có thể sử dụng những cách khác như tránh xa chất kích thích, không nên ăn quá no, trước khi đi ngủ nên ngồi thiền hoặc tập vài động tác dưỡng sinh, luôn tạo tinh thần thoải mái, tránh stress…