Nếu bạn thường xuyên cảm thấy kiệt sức hoặc mệt mỏi suốt cả ngày thì chắc chắn là thói quen trước khi đi ngủ của bạn có vấn đề, chẳng qua là do bạn chưa tập chấm dứt chúng đấy. Đã đến lúc bạn cho phép mình có một giấc ngủ ngon rồi.
Coi thường nhịp sinh học của cơ thể
Làm đêm ngủ sáng hay bỏ các giấc ngủ trưa sẽ dễ khiến bạn lâm vào tình trạng rối loạn sinh học. Thông thường, đồng hồ sinh học sẽ báo cho chúng ta biết khi nào chúng ta cần phải ngủ và khi nào cần phải tỉnh táo trong vòng 24 giờ. Chu kỳ đó bị ảnh hưởng bởi melatonin, hoạt động thể chất, tương tác xã hội, ánh sáng mặt trời. Một giấc ngủ trưa ngắn tầm 15-20 phút và một giấc ngủ ban tối đủ đầy 7-8 tiếng sẽ giúp bạn luôn sảng khoái và tỉnh táo.
Tập thể dục gần giờ đi ngủ
Chuyên gia Kansagra cho biết:"Việc tập thể dục sớm hơn vào ban ngày chắc chắn sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm, tuy nhiên, tập thể dục quá gần giờ đi ngủ có thể làm tăng thân nhiệt, khiến bạn khó ngủ hơn, đặc biệt với những ai đã mắc hội chứng này trước thì nên tránh".
Ăn no trước khi đi ngủ
Theo Hrayr Attarian, giáo sư về thần kinh học và đồng tác giả của sách Nghiên cứu sức khoẻ Phụ nữ và Giấc ngủ, khẩu phần ăn không hợp lý trước khi đi ngủ sẽ phá vỡ nhịp sinh học của chúng ta. Quan trọng là phải hạn chế chất béo, nếu có muốn ăn để bớt đói thì ăn nhẹ với nhiều rau xanh, nhiều chất xơ, khi ấy bạn sẽ dễ chìm vào >giấc ngủ ngon hơn nhiều.
Theo Tiến sĩ Michael Breus - Nhà tâm lý học lâm sàng và đồng nghiệp của Học viện Sleep Medicine của Mỹ, việc giữ đường huyết ổn định trong suốt cả đêm cũng rất quan trọng cho một giấc ngủ ngon.
"Nhiều người đi ngủ và 2 hoặc 3 giờ sáng, lượng đường trong máu thấp, do đó não của họ tạo ra cortisol để tạo ra insulin, khiến họ bị khó ngủ", Breus cho biết. "Vì vậy, tôi vẫn thường nói với những người khó ngủ hãy ăn một thìa mật ong khoảng 20 phút trước khi đi ngủ".
Tăng nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày
Sau một ngày mệt mỏi, chắc hẳn sẽ có những lúc bạn ngủ gật hoặc có nhiều giấc ngủ ngắn, chẳng hạn sau khi ăn trưa hoặc ăn tối. Việc chia ra quá nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày sẽ khiến bạn khó có thể ngủ sâu vào giờ ngủ chính thức. Từ đó, việc bạn vật vờ vào sáng hôm sau cũng là điều dễ hiểu.
Quá lo nghĩ về một vài vấn đề trước khi ngủ
Khi bạn căng thẳng và không biết phải giải quyết vấn đề ra sao, thậm chí cứ suy nghĩ mãi thì dĩ nhiên bạn không thể tập trung mà ngủ cho tốt rồi. Điều quan trọng nhất là bạn đừng để bản thân bị chi phối quá nhiều bởi các tác động bên ngoài, hãy vững tin vào lựa chọn của bản thân, tập nhìn mọi thứ một cách logic và học cách xử lý chúng theo một cách đơn giản nhất. Bởi trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn phải đối mặt với "sóng gió" là chuyện đương nhiên, thế nên đừng quá lo lắng vì sau cùng, chúng ta sẽ vượt qua được hết để sống tiếp thôi.