Vào năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO đã xếp món cá này vào danh sách thực phẩm gây ung thư cấp độ 1.
Cá là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng, đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể với vô vàn chất >dinh dưỡng như protein, vitamin D và là một nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời.
Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy chúng ta nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Thế nhưng làm sao để dinh dưỡng từ cá không biến thành nguy cơ gây bệnh quả thật không thể xem thường bởi mỗi năm, có biết bao trường hợp bị ngộ độc, nhiễm khuẩn do ăn cá sống, cá lạ, các loại cá độc...
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại cá có nguy cơ >gây ung thư cao nhất cho người ăn đó là cá ướp muối.
Cá muối - món ăn được WHO xếp vào nhóm gây ung thư cấp độ 1
Cá ướp muối hay còn gọi là cá muối. Đây là một hình thức bảo quản cá, trong đó người ta ướp, xát với muối khô vào con cá để bảo quản và tăng hương vị cho món ăn. Món cá muối là loại thực phẩm lâu đời và được người Trung Quốc rất yêu thích. Nhưng ngay tại nhiều vùng quê tại Việt Nam cũng sử dụng loại cá này như một món khoái khẩu.
Vào năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO đã xếp món cá muối vào danh sách thực phẩm gây ung thư cấp độ 1. Điều đó có nghĩa là cơ quan này đã có đủ bằng chứng cho thấy cá muối có thể gây ung thư cho con người.
Theo tờ Tân Hoa Xã (hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc), đã có không ít nghiên cứu khoa học cho biết những trẻ em dưới 10 tuổi sử dụng món cá muối thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng khi trưởng thành cao hơn người bình thường. Một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng chỉ cần ăn một kg cá muối mặn kiểu Trung Quốc cũng độc ngang với việc hút 250 điếu thuốc.
Lý do khiến món cá muối có khả năng gây ung thư hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu vì chúng có chứa nồng độ muối cao và giàu nitrite. Khi đi vào cơ thể, nitrite có thể phản ứng với protein amin tạo thành nitrosamine. Nitrosamine là một chất gây ung thư cực mạnh và là 1 trong 4 hóa chất gây ô nhiễm chính trong thực phẩm, có thể làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ở hệ tiêu hóa.
Tân Hoa Xã cũng đánh giá, dù đây là thực phẩm mà IARC phân loại khả năng gây ung thư nhưng nguy cơ gây bệnh như thế nào còn phụ thuộc vào liều lượng, khẩu phần mỗi người tiêu thụ. Mọi người vẫn có thể ăn nhưng nhất định phải hạn chế vì dù sao cá muối cũng chứa nhiều natri, tốt nhất nên lựa chọn các loại cá tươi.
Ngoài cá muối, có 3 loại cá khác cũng không nên ăn tuỳ tiện
1. Cá sống
Các món gỏi cá sống không chỉ được ưa chuộng ở Nhật Bản mà các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng rất yêu thích. Món cá sống thường đem lại mùi vị ngon ngọt, giòn dai nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt dễ gây ngộ độc và nhiễm khuẩn như nhiễm độc thủy ngân, nhiễm sán dây, nhiễm khuẩn Salmonella...
2. Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Theo Sohu (TQ), các loại cá to, cá biển sâu và cá sống lâu năm thường có hàm lượng thủy ngân cao hơn. Nếu chúng ta tiêu thụ một lượng nhỏ thủy ngân, cơ thể sẽ không có quá nhiều phản ứng bất lợi, nhưng thủy ngân có thể tích tụ trong cơ thể người, tiêu thụ lâu dài có nguy cơ ngộ độc thủy ngân.
Nếu bị ngộ độc thủy ngân, con người không chỉ bị tổn thương niêm mạc miệng mà còn có tác động làm ăn mòn đến đường tiêu hóa, thận và mao mạch. Khiến trẻ em cũng có thể gây tổn thương não.
3. Cá hồi nuôi
Cá hồi tự nhiên là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và tốt cho >sức khỏe, bởi đây là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất béo Omega-3 giàu EPA và DHA, tốt cho hệ thần kinh, não bộ, thị giác, tim mạch. Tuy nhiên, cá hồi nuôi lại được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khuyến cáo là một trong những loại thực phẩm độc hại nhất trên thế giới. Cơ quan này cho biết, mỗi người không nên ăn quá một bữa ăn cá hồi nuôi mỗi tháng.
Nguyên nhân khiến cá hồi nuôi gây hại là vì chúng dễ bị bệnh hơn so với cá hồi tự nhiên. Chúng cũng chứa ít hàm lượng omega-3 do thiếu vắng chế độ ăn uống tự nhiên. Chứa hàm lượng PCB cao gấp 16 lần so với cá hồi tự nhiên...